Kéo giảm tội phạm để an dân
Mặc dù Công an tỉnh An Giang đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhưng tình hình tội phạm, tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều này gây hoang mang dư luận, trở thành vấn đề trọng điểm được đưa ra chất vấn tại các buổi tiếp xúc cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh.
6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh An Giang phát hiện, xử lý 11 vụ “tín dụng đen”, liên quan 14 đối tượng (tăng 2 vụ, 7 đối tượng so cùng kỳ 2022); tội phạm ma túy 104 vụ, liên quan 193 đối tượng (tăng gần 53%); phát hiện người dương tính tăng 131%, đưa đi cai nghiện bắt buộc tăng 373%. Tội phạm công nghệ cao xảy ra 62 vụ (tăng trên 280%); 374 vụ trộm cắp tài sản, tăng 31 vụ, chiếm gần 59% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự.
Một số nguyên nhân chủ yếu gia tăng tội phạm được Công an tỉnh chỉ ra: Những tháng đầu năm 2023, dịch COVID-19 được kiểm soát, người dân trở lại cuộc sống bình thường. Tình trạng suy thoái kinh tế vẫn tiếp diễn, nhiều người mất việc làm, không có nghề nghiệp ổn định, dẫn tới nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội.
Công tác tuyên truyền pháp luật tuy được tăng cường, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Công tác phòng ngừa, quản lý địa bàn, đối tượng chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành pháp luật, cảnh giác của người dân chưa cao, còn nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác trong quản lý tài sản, để đối tượng xấu lợi dụng. Một số cá nhân vì nhiều lý do khác nhau vẫn tìm đến “tín dụng đen” để vay tiền, bất chấp rủi ro về lãi suất, không trả được nợ. Công tác lãnh, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tội phạm của một số địa phương từng lúc còn chưa quyết liệt…
Ngoài ra, tai nạn giao thông đường bộ tăng 13,8% (99 vụ, 83 người chết, 51 người bị thương). Đây cũng là khoảng thời gian diễn ra Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân, lưu lượng người và phương tiện ngoài tỉnh đến An Giang du lịch tâm linh, hành hương… tăng cao.
Tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến đường đi qua khu dân cư, khu công nghiệp, chợ tiếp tục diễn ra, từng lúc gây ùn tắc giao thông cục bộ trong ngày cao điểm. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phương tiện giao thông tăng nhanh, nhất là phương tiện cá nhân (trên 1,8 triệu xe); ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, chấp hành kiểu đối phó, thậm chí không chấp hành; còn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được quan tâm, có nhiều cố gắng, thay đổi, nhưng trên thực tế vẫn chưa phát huy hiệu quả.
“Thời gian tới, lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm gắn với phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" bằng nhiều hình thức, biện pháp sát thực tiễn, tập trung địa bàn, khu vực trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, thống kê, quản lý, xử lý người nghiện, người sử dụng trái phép các chất ma túy; triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm; chủ động mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; lấy phòng ngừa là cốt lõi, trọng tâm” - đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đề nghị, Công an tỉnh cần triển khai đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả những giải pháp đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 14 (giữa năm 2023) HĐND tỉnh, để kéo giảm tình hình phạm tội và vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới (như: Gọi điện, nhắn tin báo trúng thưởng, báo người nghe đang có liên quan đến vụ án hình sự, báo người thân gặp tai nạn...); quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh cầm đồ, dịch vụ tài chính; phát hiện, xử lý nghiêm hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê, băng nhóm tính chất “xã hội đen”, các hành vi xúc phạm, danh dự nhân phẩm của người khác.
“Trước tiên, tập trung xác minh, điều tra, khởi tố kịp thời 62 vụ liên quan tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện thời gian qua, kiến nghị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử lưu động một số vụ án điển hình để tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật đến nhân dân” - đồng chí Lê Văn Nưng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lực lượng cần triển khai đồng bộ giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm quy định pháp luật về sử dụng rượu bia, ma túy và chất kích thích khác khi tham gia giao thông. Kiện toàn tổ chức, bộ máy lực lượng công an nhân dân, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp trong công tác quản lý đối tượng, địa bàn; nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm tại địa bàn cơ sở và xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; nhân rộng mô hình tự quản trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan tuyên truyền, giáo dục, vận động kịp thời, phòng ngừa tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, tiếp tay, bao che tội phạm.