Kéo dài thời gian giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Chiều 24/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tiến hành xem xét, quyết định kéo dài thời gian giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2025. Nội dung này đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của dư luận xã hội và người dân, bởi điều này sẽ góp phần 'hạ nhiệt' sức ép lạm phát, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh hiện nay, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chưa tăng thuế để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định tại mục 1 khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, từ ngày 01/01/2025 sẽ áp dụng mức thuế mới về bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; dầu mazut là 2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, khi mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng về mức trần trong Biểu khung thuế từ ngày 01/01/2025 thì sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ làm tăng giá bán lẻ những mặt hàng này; tạo áp lực gia tăng lạm phát, từ đó gây bất lợi trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn, chiều 24/12/2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn, chiều 24/12/2024.

Do vậy, để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2025 vẫn như quy định tại Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 (giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn).

Cụ thể xăng, trừ ethanol là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 600 đồng/lít.

Còn từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ lại thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem xét đề nghị này của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất kéo dài thời gian giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp để dự báo tình hình, phản ứng nhanh, chính xác, kịp thời hơn, chủ động trong việc xây dựng chính sách, bảo đảm thời gian, trình tự, thủ tục cho các cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định hoặc cho ý kiến. Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra; điều hành thực hiện nhiệm vụ thu để bảo đảm cân đối ngân sách và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định để quản lý, điều hành giá xăng dầu, bám sát diễn biến giá thế giới nhưng có đủ các giải pháp để đảm bảo giá bán xăng dầu hợp lý, phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của Nhân dân và kiểm soát lạm phát. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh phù hợp các khoản thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức chi phí, định mức hao hụt, định mức lợi nhuận, năng lực dự trữ quốc gia; sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn thị trường, chú ý các giải pháp, có lộ trình để đảm bảo nguồn lực và tiếp tục thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường, phát triển bền vững và các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế tại COP 26.

Bước đi chiến lược để xây dựng nền kinh tế ổn định, bền vững hơn trong dài hạn

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, việc giảm thuế là cần thiết. Khi giảm thuế, chúng ta chấp nhận nguồn thu ngân sách trước mắt có thể giảm xuống, song đổi lại, sẽ có được sự ổn định nguồn thu trong trung hạn. Vì khi kinh tế phục hồi, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trở lại, thị trường và chuỗi sản xuất thông suốt thì nguồn thu thuế theo đó sẽ tăng lên.

Ngược lại, nếu giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng và tạo áp lực lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

“Các biện pháp điều hành giá xăng dầu thời gian qua cho thấy trong bối cảnh tình hình hiện nay, việc tiếp tục cho phép kéo dài thời gian giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Nếu để giá xăng, dầu neo ở mức cao, thuế thu từ xăng dầu có thể tăng, nhưng ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới do nền kinh tế bị thu hẹp hoặc không được mở rộng như kỳ vọng. Ngoài ra, về vĩ mô, giảm mạnh giá xăng dầu sẽ giúp giảm áp lực lạm phát, tác động đến nền kinh tế”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, GS.TS Hoàng Văn Cường đánh giá, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, do vậy sẽ đặt ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng để hoàn thành được mục tiêu phát triển kinh tế theo Kế hoạch 5 năm đã đề ra. Nếu theo quy định, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng về bằng mức trần của Biểu khung thuế (trừ dầu hỏa) từ ngày 01/01/2025, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay; từ đó, ảnh hưởng đến lạm phát và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Do vậy, để hạn chế những yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần tiếp tục duy trì thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả để củng cố thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó việc thực hiện giải pháp kéo dài thời gian giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã thực hiện trong các năm 2023, 2024 để áp dụng sang năm 2025 là cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ, nắm bắt sát sao diễn biến thực tế của tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đưa ra những quyết sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Chính phủ cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để điều chỉnh chính sách phù hợp, ứng phó với biến động kinh tế. Đây là bước đi chiến lược để xây dựng một nền kinh tế ổn định, bền vững hơn trong dài hạn.

Xung quanh vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý, Chính phủ cần dự báo chính sách, đánh giá tác động để xác định trong năm 2026 liệu có thể tiếp tục áp dụng mức thuế này không. Còn nếu như trong năm 2026 sẽ áp dụng mức thuế theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 thì đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thực hiện tăng dần thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn ngay từ cuối năm 2025 để người dân, doanh nghiệp dần quen với mức thuế mới.

Thiên An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/keo-dai-thoi-gian-giam-thue-bao-ve-moi-truong-doi-voi-xang-dau-de-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-nguoi-dan-post327490.html
Zalo