Kênh Whatsapp là gì và giúp ích được gì cho báo chí?

Chỉ hơn một năm sau khi Kênh Whatsapp ra mắt, hàng triệu người đã đăng ký nhận thông tin cập nhật từ các nhà xuất bản tin tức trên khắp thế giới thông qua nền tảng xã hội này.

Kênh WhatsApp là gì?

Ra mắt vào tháng 6/2023, Kênh Whatsapp là hệ thống phân phối nội dung một chiều được tích hợp sẵn trong ứng dụng Whatsapp chính.

Không giống như Cộng đồng Whatsapp, có thể có tối đa 2.000 thành viên, Kênh Whatsapp có thể được theo dõi bởi số lượng người không giới hạn. Không ai ngoài chủ sở hữu Kênh Whatsapp có thể đăng bài, khiến nó trở thành một cơ chế phân phối theo kiểu phát sóng.

 Các kênh Whatsapp do Daily Mail (trái), New York Times (giữa) và The Sun (phải) quản lý. Ảnh: Press Gazette

Các kênh Whatsapp do Daily Mail (trái), New York Times (giữa) và The Sun (phải) quản lý. Ảnh: Press Gazette

Điều quan trọng là kênh này chỉ được trình bày dưới dạng nguồn cấp dữ liệu hiển thị nội dung mới nhất và cho phép người dùng cuộn lên để tìm các bài đăng cũ hơn, nghĩa là việc phân phối nội dung không được điều chỉnh bởi thuật toán.

Một nhược điểm của phương tiện này đối với các tổ chức tin tức là, không giống như Cộng đồng Whatsapp, Kênh Whatsapp không tự động gửi thông báo khi có nội dung mới được đăng. Người dùng cần phải bật thông báo cho từng kênh mà họ đăng ký.

Một lý do khác là thiếu cơ hội kiếm tiền trực tiếp: hầu hết các tổ chức tin tức hiện đang sử dụng nền tảng này chỉ đơn giản để thu hút lưu lượng truy cập vào trang web của họ hoặc sử dụng Whatsapp để xây dựng sự tương tác và cộng đồng.

Mặc dù người theo dõi Kênh Whatsapp không thể đăng bài lên đó, họ vẫn có thể phản hồi bài đăng bằng biểu tượng cảm xúc, tương tự như khi trò chuyện với bạn bè.

Những tổ chức tin tức hàng đầu trên Kênh Whatsapp?

Tính đến cuối tháng 6, thì 7 kênh WhatsApp của các tổ chức tin tức được theo dõi nhiều nhất đều là của Mỹ: The New York Times (12,2 triệu), CNN (9,6 triệu), New York Post (9,1 triệu), The Wall Street Journal (5,2 triệu), Newsweek (4,4 triệu), National Geographic (4,3 triệu) và The Washington Post (4,3 triệu).

Chủ đề phổ biến nhất tập trung vào thể thao: 30/74 nhà xuất bản trong danh sách trên đưa tin về thể thao nói chung hoặc một môn thể thao, đội hoặc chuyên gia thể thao cụ thể. Các chủ đề khác được nhiều người quan tâm bao gồm văn hóa (Vanity Fair và British Vogue), nấu ăn (Tasty) và văn hóa internet (Buzzfeed, Know Your Meme).

Phil Harman, giám đốc độc giả của The Sun, chia sẻ: "Chúng tôi coi Whatsapp giống như công cụ để tiếp cận trực tiếp những đối tượng độc giả đó". Ông cho biết The Sun đã sớm quyết định rằng cách tiếp cận của họ sẽ là "đi sâu vào từng phân khúc" trên Kênh.

"Điều đó đã mang lại lợi ích với lượng người theo dõi khổng lồ. Con số này tăng trưởng rất nhanh trong vài tháng đầu tiên, và vẫn tiếp tục tăng trưởng cho đến bây giờ", Harman nói.

"Chúng tôi có thể thấy mức độ tương tác thực sự cao trên các lĩnh vực được quan tâm và điều đó thực sự quan trọng. Lượng truy cập khá và thường tăng theo mùa. Ví dụ, các tài khoản câu lạc bộ sẽ tăng vọt trong mùa chuyển nhượng và khi có nhiều trận bóng đá trực tiếp", ông cho biết.

Phát biểu tại Đại hội truyền thông tin tức thế giới WAN-IFRA ở Copenhagen vào tháng 5, giám đốc phụ trách quan hệ đối tác của Reach plc, Dan Russell cho biết Kênh Whatsapp đã cho phép các trang tin Daily Mirror, Daily Express và Manchester Evening News "kiểm soát" việc phân phối nội dung của mình.

"Chúng tôi đang gửi nội dung với tiêu đề và hình ảnh theo cách chúng tôi muốn gửi. Chúng tôi không cần phải loay hoay với các từ khóa… điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào chúng tôi".

Ngọc Ánh (theo Press Gazette)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kenh-whatsapp-la-gi-va-giup-ich-duoc-gi-cho-bao-chi-post303222.html
Zalo