Kênh đào Kra và những bài toán chưa có lời giải
Geopolitical Monitor mới đây đã có bài phân tích về dự án kênh đào Kra tại Thái Lan và những tác động tiềm tàng của nó đối với khu vực Đông Nam Á. Bài viết đã giải thích lý do vì sao cho đến nay nó vẫn chưa được triển khai và những được - mất xung quanh dự án này, nếu nó trở thành hiện thực.
Câu chuyện từ lịch sử
Ý tưởng về kênh đào Kra đã được thảo luận suốt nhiều thế kỷ, bởi tiềm năng mở ra một tuyến vận tải mới giữa biển Andaman và vịnh Thái Lan có thể cách mạng hóa ngành hàng hải khu vực. Nếu được thực hiện, nó sẽ định hình lại địa chính trị Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng và thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn chưa trở thành hiện thực. Dù Thái Lan đã chọn hướng đi khác nhưng các cuộc tranh luận về tính khả thi của kênh đào và những hệ lụy địa chính trị của nó vẫn không ngừng diễn ra.

Lợi ích kinh tế của Kra là không cần bàn cãi, nhưng những vấn đề hóc búa đi kèm mới là điều khiến Thái Lan băn khoăn.
Trên thực tế, ý tưởng về tuyến kênh đào xuyên qua eo đất Kra xuất hiện từ năm 1677, khi vua Narai của Thái Lan giao cho kỹ sư người Pháp De Lamar khảo sát khu vực này để tìm phương án khả thi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mục tiêu không phải là kết nối vịnh Thái Lan với biển Andaman mà là tạo ra một tuyến đường thủy giữa Songkhla và Marid (nay thuộc Myanmar). De Lamar kết luận rằng địa hình hiểm trở cùng với công nghệ còn hạn chế khiến dự án này không thể thực hiện được.
Đến thế kỷ 19, khi các cường quốc châu Âu gia tăng hiện diện tại Đông Nam Á, ý tưởng về kênh đào Kra một lần nữa được nhắc đến. Anh, với vị thế kiểm soát các tuyến thương mại quan trọng qua Singapore và eo biển Malacca, lo ngại rằng một tuyến vận tải thay thế sẽ làm suy yếu tầm quan trọng chiến lược của Singapore và ảnh hưởng đến quyền lực của họ trong khu vực. Trong khi đó, Pháp, với tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở Đông Dương, lại coi kênh đào này là cơ hội để cân bằng quyền lực với Anh. Tuy nhiên, Chính phủ Xiêm lúc bấy giờ đã khéo léo từ chối cả 2 cường quốc, duy trì thế trung lập để bảo vệ chủ quyền, qua đó ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài và khiến dự án kênh đào vẫn tiếp tục chỉ tồn tại trên... ý tưởng!
Trong bối cảnh hiện đại
Đến năm 1972, dự án này một lần nữa thu hút sự chú ý khi công ty Mỹ Tippetts-Abbett-McCarthy-Stratton (TAMS) đề xuất xây dựng một kênh đào dài 102 km nối Satun với Songkhla. Ý tưởng này nhằm giảm tải cho eo biển Malacca và tạo ra tuyến hàng hải trực tiếp hơn giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông, từ đó nối ra Thái Bình Dương. Với công nghệ hiện đại hơn, kế hoạch đề xuất một kênh đào nước sâu đủ sức cho các tàu hàng và tàu chở dầu lớn lưu thông. Tuy nhiên, chi phí dự kiến lên tới 5,6 tỷ USD, thời gian thi công từ 10-12 năm cùng những lo ngại về môi trường, tài chính và an ninh đã khiến Chính phủ Thái Lan quyết định không triển khai dự án.
Gần đây, Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc hồi sinh dự án kênh đào Kra. Năm 2015, một bản ghi nhớ (MoU) đã được ký kết giữa một công ty tư nhân của Trung Quốc và Thái Lan nhằm nghiên cứu tính khả thi của dự án. Nếu thành công, kênh đào này sẽ giúp tái định hình các tuyến thương mại toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca. Tuy nhiên, ngay sau đó, cả hai bên đều rút khỏi thỏa thuận, có lẽ do những nhạy cảm chính trị và sức ép từ các nước trong khu vực. Dự án vẫn dừng lại ở mức thảo luận sơ bộ và không có tiến triển đáng kể nào.
Thay vì xây dựng kênh đào, Thái Lan đã quyết định theo đuổi một giải pháp khác: Dự án “cầu đất liền” trị giá 28 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 này. Hành lang vận tải trên bộ này sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa di chuyển giữa vịnh Thái Lan và biển Andaman một cách nhanh chóng mà không phải đối mặt với những thách thức địa chính trị và môi trường như kênh đào. Đây được xem là giải pháp cân bằng và khả thi hơn, giúp Thái Lan hưởng lợi kinh tế mà không gây ra những căng thẳng trong khu vực.
Kênh Kra quan trọng mức nào?
Nếu được xây dựng, kênh đào Kra sẽ là một giải pháp thay thế chiến lược cho eo biển Malacca, giúp giảm khoảng cách vận tải biển khoảng 1.200 hải lý. Tuyến đường tắt này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu mà còn rút ngắn thời gian vận chuyển và giảm bớt áp lực tắc nghẽn tại eo biển Malacca, nơi hiện có gần 94.000 lượt tàu qua lại mỗi năm. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và vận tải container, nhu cầu về các tuyến hàng hải hiệu quả và an toàn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ảnh chụp thực tế hiện trạng eo đất Kra.
Kênh đào Kra sẽ tạo ra một tuyến di chuyển bổ sung, không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc quá mức vào một tuyến đường duy nhất mà còn nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động địa chính trị. Đối với Trung Quốc - quốc gia thương mại lớn nhất thế giới - lợi ích từ kênh đào này là vô cùng to lớn. Hiện tại, khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, khiến đây trở thành điểm yếu chiến lược trong trường hợp xảy ra xung đột hoặc bị phong tỏa. Nếu kênh đào Kra được đưa vào vận hành, Bắc Kinh có thể đa dạng hóa tuyến đường hàng hải, củng cố an ninh năng lượng và tạo ra chuỗi cung ứng thay thế để vận chuyển dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Trung Đông và châu Phi.
Cạnh tranh nước lớn
Đối với Trung Quốc, kênh đào Kra là lời giải cho thế “tiến thoái lưỡng nan Malacca” - lo ngại rằng các tuyến thương mại hàng hải quan trọng của nước này có thể bị phong tỏa bởi lực lượng hải quân nước khác. Một khi có kênh đào do mình kiểm soát (chủ đầu tư), Bắc Kinh sẽ không chỉ gia tăng quyền kiểm soát đối với chuỗi cung ứng và an ninh hàng hải của mình mà còn mở rộng ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực. Quan trọng hơn, sự hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương sẽ được củng cố, cho phép hải quân Trung Quốc hoạt động linh hoạt hơn và bảo vệ tốt hơn các tuyến đường biển chiến lược.
Tuy nhiên, Mỹ và các nước đồng minh, đặc biệt là Singapore và Ấn Độ, có đủ lý do để phản đối dự án này. Một khi có Kra, Singapore sẽ mất đi một phần đáng kể vai trò trung tâm vận tải biển của mình, đồng nghĩa với việc suy giảm giá trị kinh tế và chiến lược. Hiện nay, Singapore hưởng lợi rất nhiều từ phí trung chuyển và vai trò trung tâm thương mại, do đó, bất kỳ sự chuyển hướng giao thông nào từ eo biển Malacca sang kênh đào Kra đều có thể gây tổn thất kinh tế lớn.
Về phần mình, Ấn Độ coi kênh đào này là một yếu tố chiến lược khác có thể gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - khu vực vốn nằm trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của New Delhi. Nếu Bắc Kinh thiết lập các cơ sở hậu cần hoặc hải quân xung quanh kênh đào, điều này có thể gia tăng sức ép lên chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ, đồng thời đẩy New Delhi vào thế cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc ngay tại sân sau của mình.
Nhận thức được những yếu tố này, Washington đang tích cực thúc đẩy dự án cầu đất liền của Thái Lan như một phương án thay thế. Dự án này sẽ cung cấp một hành lang thương mại hiệu quả mà không làm thay đổi cân bằng quyền lực khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Với hệ thống đường cao tốc, đường sắt và cảng nước sâu, cầu đất liền sẽ giúp Thái Lan hưởng lợi về kinh tế mà không tạo ra một tuyến hàng hải mới do nước khác (ngoài Mỹ) chi phối. Mỹ cũng đang tăng cường hợp tác hàng hải với Thái Lan, Indonesia và Philippines để đảm bảo an ninh và duy trì khả năng tiếp cận mở tại eo biển Malacca - tuyến vận tải biển vẫn đóng vai trò huyết mạch của thương mại toàn cầu.
Dù kênh đào Kra mang lại những lợi ích kinh tế tiềm năng, nhưng những rủi ro địa chính trị đi kèm đã khiến nó trở thành một vấn đề nhạy cảm. Trước áp lực từ Mỹ và các đồng minh, cùng những lo ngại về chủ quyền và an ninh, Thái Lan dường như vẫn chưa sẵn sàng đánh đổi sự cân bằng chiến lược của mình để thực hiện một dự án có thể định hình lại cục diện hàng hải khu vực và thế giới.
Cơ hội và thách thức
Đối với Thái Lan, kênh đào Kra vừa mở ra cơ hội lớn, vừa đặt ra những thách thức không nhỏ. Về mặt kinh tế, nếu được triển khai, nó có thể biến Thái Lan thành một trung tâm hậu cần quan trọng, tạo ra nguồn thu đáng kể từ phí quá cảnh, dịch vụ cảng và các ngành công nghiệp phụ trợ. Việc giảm quãng đường di chuyển của các tuyến vận tải biển sẽ thu hút thêm đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng hàng hải của Thái Lan, đồng thời tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong các lĩnh vực vận chuyển, thương mại và hậu cần. Về dài hạn, điều này có thể giúp Thái Lan củng cố vị thế là một cường quốc thương mại hàng hải trong khu vực, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, về mặt chính trị và an ninh, dự án này đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Một trong những rủi ro lớn nhất là nguy cơ chia cắt đất nước, đặc biệt khi Thái Lan đã phải đối mặt với căng thẳng ly khai ở các tỉnh phía Nam suốt nhiều năm qua. Việc xây dựng một kênh đào cắt ngang qua eo đất Kra có thể vô tình tạo điều kiện cho các phong trào ly khai gia tăng sức mạnh, làm trầm trọng thêm những chia rẽ nội bộ.
Ngoài ra, còn có những lo ngại về sự kiểm soát của nước ngoài đối với dự án này. Nếu Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong việc tài trợ và xây dựng, điều này có thể làm dấy lên tranh cãi về chủ quyền và sự lệ thuộc vào Bắc Kinh. Một kênh đào do Trung Quốc kiểm soát sẽ mở rộng ảnh hưởng của nước này tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời khiến Thái Lan rơi vào thế khó xử trước các đối tác khác, đặc biệt là Mỹ, Ấn Độ và Singapore.
Sự xuất hiện của kênh đào Kra cũng có thể gây ra tác động đáng kể đối với các nền kinh tế hàng hải trong khu vực, đặc biệt là Singapore và Malaysia. Những quốc gia này đã luôn phản đối mạnh mẽ dự án này do lo ngại rằng nó có thể làm suy giảm vai trò trung tâm vận chuyển của họ. Hiện tại, Singapore là điểm trung chuyển hàng hải lớn nhất trong khu vực, hưởng lợi từ vị trí chiến lược tại eo biển Malacca. Ngoài ra, dự án này có thể làm phức tạp thêm quan hệ giữa Thái Lan và các đối tác ASEAN khác. Nếu Singapore, Malaysia hay Ấn Độ cảm thấy lợi ích chiến lược của họ bị đe dọa, điều này có thể làm gia tăng căng thẳng ngoại giao trong khu vực.
Mặc dù tiềm năng của kênh đào Kra là rất rõ ràng, nhưng những thách thức về kinh tế, môi trường và an ninh cũng không hề nhỏ. Chi phí xây dựng ước tính gần đây đã tăng lên khoảng 30 tỷ USD - một con số khổng lồ đối với Thái Lan. Bên cạnh khoản đầu tư ban đầu, chi phí vận hành và bảo trì cũng là một vấn đề lớn. Việc nạo vét thường xuyên để duy trì độ sâu của kênh, kiểm soát trầm tích và đảm bảo an toàn hàng hải sẽ tiêu tốn nguồn lực đáng kể trong dài hạn.
Tác động môi trường cũng là một rào cản lớn. Việc đào xới quy mô lớn sẽ phá hủy nhiều hệ sinh thái biển và đất liền, đẩy nhanh quá trình suy thoái môi trường tại khu vực. Ngoài nguy cơ tràn dầu, lưu lượng tàu thuyền gia tăng cũng có thể làm gián đoạn nghề cá địa phương, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân và các cộng đồng ven biển. Một yếu tố khác cần cân nhắc là những thay đổi về dòng hải lưu và độ mặn giữa biển Andaman và vịnh Thái Lan - điều này tác động đến hệ sinh thái biển, thậm chí ảnh hưởng đến sự biến đổi thời tiết trong khu vực.