Kế thừa và phát huy di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

Năm nay tròn 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - danh y lỗi lạc nhất trong lịch sử y học dân tộc, là ông tổ của ngành Y học cổ truyền Việt Nam.

Di sản của ông để lại vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ thầy thuốc ngành Y tế Việt Nam kế thừa, sử dụng, nhằm góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Những cống hiến vĩ đại cho nền y học cổ truyền

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân) sinh năm 1724 tại làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Quê mẹ của ông ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Thuở nhỏ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện. Sau một cơn bạo bệnh được thầy thuốc Trần Độc chữa trị và quý mến truyền thụ cho tất cả các kiến thức về y dược, danh y Lê Hữu Trác nhanh chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người đầu tiên đưa ra những quan điểm mới về y đức trong lịch sử y học Việt Nam. Y đức cũng là một trong những tư tưởng lớn nhất được thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của ông (trong bài Y huấn cách ngôn và các tập Dương án, Âm án, Y lý thâu nhàn, Thượng Kinh ký sự).

Ông là một thầy thuốc đại tài, người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và phát triển y học cổ truyền Việt Nam. Ông đã tạo dựng một nền tảng lý thuyết và thực hành y học đồ sộ, xây dựng một hệ thống y học không chỉ dựa trên các lý luận cổ điển từ Trung Quốc mà còn tích hợp nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ y học dân gian của Việt Nam.

Sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”.

Sách “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh”.

Tác phẩm quan trọng nhất của ông, "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" là một bộ bách khoa toàn thư về y học cổ truyền với 28 tập với 66 quyển, được coi là di sản lớn nhất về y học cổ truyền của Việt Nam. Đây không chỉ là một công trình mang tính học thuật, giúp chuẩn hóa y học cổ truyền Việt Nam, mà còn là một tài liệu tham khảo vô giá về phương pháp chữa bệnh và phòng bệnh.

Bộ sách không chỉ mô tả kỹ lưỡng các bệnh lý, phương pháp chẩn đoán và điều trị mà còn chứa đựng những nguyên tắc y đức và triết lý nhân sinh sâu sắc. Nó được xem như kim chỉ nam cho các thế hệ thầy thuốc không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia có truyền thống y học cổ truyền trên thế giới.

Trong y học cổ truyền, việc không chỉ chữa trị mà còn phòng ngừa bệnh tật luôn được coi trọng. Lê Hữu Trác đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe thông qua lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân bằng và điều hòa tinh thần.

Điều này cũng phù hợp với y học phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh thời đại ông, khi kiến thức y học còn nhiều hạn chế và việc phòng bệnh chưa được coi trọng đúng mức. Tư tưởng về y học dựa trên sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên của ông vẫn có giá trị đến ngày nay, trong cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền.

Quảng bá những thành tựu của nền y học cổ truyền

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tham quan Triển lãm Di sản về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tham quan Triển lãm Di sản về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Nhân kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), người được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam, Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Bộ VH,TT&DL phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) từ ngày 25 - 28/12/2024.

Điểm nhấn của Triển lãm giới thiệu đến công chúng một số mộc bản "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh", trưng bày các cuốn sách có giá trị về y học, văn học, lịch sử và triết học như sách "Thượng kinh ký sự", "Châu ngọc Cách ngôn", "Đạo lưu dư vận quyển", "Y hải cầu nguyên", "Vận khí bí điển", "Bào thai thần hiệu diễu ca", "Lĩnh Nam bản thảo"… Ngoài ra, tại triển lãm có khu trưng bày của các đơn vị y học cổ truyền như Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh và Hội Đông y Hà Tĩnh nhằm phát huy giá trị y lý của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong công tác khám, chữa bệnh.

Trước đó, ngày 20/12, Tỉnh ủy Hưng Yên phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế "Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản".

Các tham luận của các đại biểu đã đề ra hướng đi mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Lê Hữu Trác; gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu như: số hóa di sản Hải Thượng Lãn Ông; xây dựng bảo tàng và không gian văn hóa Lê Hữu Trác gắn với quảng bá, giới thiệu những thành tựu nổi bật của Đại danh y, tạo cơ sở để ứng dụng y học cổ truyền vào y học hiện đại; dịch thuật và chuyển ngữ các công trình của Hải Thượng Lãn Ông sang nhiều ngôn ngữ nhằm giới thiệu, quảng bá những thành tựu của nền y học Việt Nam cho thế giới.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ke-thua-va-phat-huy-di-san-cua-dai-danh-y-hai-thuong-lan-ong-169241227123410492.htm
Zalo