Kè ngầm chắn sóng tại Sóc Trăng giảm nguy cơ xâm thực do sóng biển
Tình trạng thiếu phù sa bồi lắng cùng tác động sóng biển của các đợt bão khiến diện tích rừng phòng hộ tại Sóc Trăng mỏng dần, đe dọa đến hệ thống đê biển và sản xuất nông nghiệp của người dân.
Những năm qua, với sự đầu tư kinh phí từ Trung ương, tỉnh, tuyến kè ngầm chắn sóng ven biển ở những khu vực xung yếu được xây dựng đạt trên 60%, giúp giảm nguy cơ sạt lở tuyến đê biển ở Sóc Trăng, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất.
Theo người dân ở xã Vĩnh Hãi (thị xã Vĩnh Châu), tuyến đê biển ký hiệu K39-K45 thuộc xã nhiều năm qua thường xuyên bị sạt lở vào mùa mưa bão. Nhưng năm nay, nhờ được sự quan tâm đầu tư tuyến kè ngầm chắn sóng với chiều dài 8km, người dân bớt lo lắng về nguy cơ sạt lở đê biển.
Ông Phan Truyền Thống, người dân thị xã Vĩnh Châu chia sẻ, nhờ có kè ngầm chắn sóng, tình trạng sạt lở đê biển khu vực xung yếu ở xã Vĩnh Hải năm nay giảm đi rất nhiều, giúp người dân bên trong đê yên tâm sản xuất. Cùng với đó, sau khi có kè ngầm, lượng phù sa bồi lắng bên trong kè trở nên dồi dào, chính quyền địa phương phát động trồng rừng phòng hộ, người dân trong khu vực hưởng ứng thực hiện cùng chính quyền địa phương. Rừng phòng hộ vừa giữ được đê biển vững chắc vừa giúp người dân có thêm nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng phòng hộ.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, kè ngầm chắn sóng đê biển Vĩnh Châu có chiều dài 14 km, tổng kinh phí trên 510 tỷ đồng, được đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí (Trung ương, tỉnh). Kè ngầm chắn sóng được thiết kế cách đê biển từ 100-150m, cao trình 4-4,5m; đến nay, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng 8km, còn 6km đang triển khai thi công.
Theo ông Phạm Tấn Đạo, hệ thống kè ngầm này đang phát huy hiệu quả tích cực, giảm được sự tác động sóng biển đến chân đê, tạo được bãi bồi giữ chân đê, giảm thiểu tình trạng sạt lở đê. Ngành chức năng tỉnh đang rà soát những đoạn đê xung yếu thường xuyên bị sạt lở vào mùa sóng biển to; qua rà soát có khoảng 10 km kè ngầm chắn sóng cần đầu tư xây dựng với kinh phí gần 500 tỷ đồng. Tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư xây dựng.
Để ứng phó với tỉnh trang sạt lở có thể xảy ra vào mùa mưa bão, Sóc Trăng đang tập trung duy tu đê bao và sẵn sàng ứng trực khắc phục sự cố vỡ đê, sạt lở. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, các vị trí xung yếu được ngành chức năng phối hợp với địa phương rà soát, đề xuất đầu tư sửa chữa. Tỉnh đã nâng cấp khoảng 30 km tuyến đê Tả hữu Cù Lao Dung, xây dựng mới 40 km hệ thống đê bao sông kiên đảm bảo ngăn mặn và chống triều cường, sạt lở và 22 km đê biển tại thị xã Vĩnh Châu. Nhiều địa phương như Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu đang tích cực triển khai công tác trồng rừng phòng hộ, nhằm chắn sóng, giảm bớt nguy cơ sạt lở.
Sóc Trăng
hiện có khoảng 15.000 hộ sinh sống ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng do bão, triều cường; trong đó, 6.300 hộ sống khu vực có nguy cơ cao ở tuyến đê ven đê biển. Đê biển, đê sông an toàn giúp người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.