Kế hoạch phát triển thể dục, thể thao tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày 17/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về việc phát triển thể dục, thể thao (TDTT) tỉnh Nam Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Kế hoạch được ban hành nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh về vai trò của TDTT trong việc nâng cao sức khỏe, xây dựng con người Nam Định phát triển hài hòa, toàn diện. Mục tiêu hướng tới xây dựng nền TDTT Nam Định phát triển bền vững, chuyên nghiệp; xây dựng mạng lưới cơ sở TDTT phát triển đồng bộ, hiện đại; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển TDTT; tạo sự chuyển biến rõ rệt về giáo dục thể chất và thể thao trường học; đầu tư phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp có trọng tâm, hiệu quả, thống nhất; phát triển kinh tế thể thao; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”…
Phấn đấu số người tập luyện TDTT thường xuyên toàn tỉnh đến năm 2030 đạt 45,5%; đến năm 2045 đạt 55% so với tổng dân số; phấn đấu số gia đình thể thao đến năm 2030 đạt 30%, năm 2045 đạt 40% so với tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, 100% thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, khu đô thị có ít nhất 1 điểm tập luyện TDTT công cộng; 100% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đạt chuẩn theo quy định và có ít nhất 7 CLB thể thao cơ sở trở lên. Phấn đấu số CLB thể thao tại các cơ quan, doanh nghiệp, xã, phường, thị trấn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đến năm 2030 đạt 1.900 CLB, năm 2045 đạt 2.000 CLB. Phấn đấu từ năm 2030, 100% đơn vị cấp xã tổ chức Đại hội TDTT các cấp; trên 85% đơn vị cấp xã tổ chức Tháng hoạt động thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân.
Kế hoạch cũng đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về: giáo dục thể chất và thể thao trong các nhà trường; TDTT trong các đơn vị lực lượng vũ trang; TDTT trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động; thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; nguồn lực cán bộ TDTT; cơ sở vật chất TDTT từ tỉnh đến cơ sở.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Kế hoạch: Chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về TDTT; phát triển TDTT quần chúng, giáo dục thể chất, TDTT học đường, TDTT lực lượng vũ trang; tăng cường các nguồn lực phát triển TDTT; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội, CLB TDTT; hỗ trợ phát triển TDTT cho các đối tượng đặc biệt; hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước về TDTT; phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác TDTT; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về TDTT; lồng ghép triển khai các kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành để tiếp tục phát triển TDTT trong giai đoạn mới.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương trong quá trình triển khai, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Kế hoạch hiệu quả, đảm bảo yêu cầu đề ra./.