Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2025 trong ngành KSND
Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở ngành KSND vừa ban hành Kế hoạch số 10/KH-BCĐ ngày 23/1/2025 về kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2025 trong ngành Kiểm sát nhân dân (KSND).
Theo Kế hoạch, việc kiểm tra nhằm đánh giá đúng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND, xác định những đơn vị làm tốt, có phương pháp hay để nhân rộng triển khai trong toàn Ngành; đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém và khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao về chủ trương, pháp khắc phục.
Đồng thời, bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành KSND, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thường xuyên, nghiêm túc, thực chất và hiệu quả, góp phần xây dựng ngành KSND vững mạnh.
Yêu cầu đặt ra là việc kiểm tra đảm bảo khách quan, ghi nhận những ưu điểm, cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng trong toàn Ngành; những hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân, trách nhiệm; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm (nếu có).
Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh (bao gồm đơn vị được Ban Chỉ đạo kiểm tra trực tiếp và tự kiểm tra) chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị, tự khắc phục hạn chế, thiếu sót.
Nội dung kiểm tra gồm: Việc tiếp tục quán triệt thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước và của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trực tiếp là: Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28/3/2002 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong nội bộ cơ quan, đơn vị theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và các quy định có liên quan. Đồng thời, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
Về đối tượng kiểm tra trực tiếp, Ban Chỉ đạo trực tiếp kiểm tra tại 12 đơn vị. Thời kỳ kiểm tra Từ ngày 1/10/2023 đến ngày ra quyết định kiểm tra. Thời gian tiến hành: Dự kiến từ 2 đến 3 ngày làm việc, do Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định (trong Quý II, III/2025).
Phương pháp tiến hành: Đoàn kiểm tra trực tiếp nghe đồng chí Viện trưởng, Thủ trưởng đơn vị được kiểm tra báo cáo theo nội dung của Đề cương yêu cầu báo cáo; nghiên cứu hồ sơ, sổ ghi chép, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm tra và trực tiếp kiểm tra đối với một số đơn vị, cá nhân để làm rõ nội dung kiểm tra.
Việc kiểm tra thực hiện theo quy định tại Quy chế công tác kiểm tra trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-VKSTC-T1 ngày 30/3/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Ghi nhận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân; những đề xuất, kiến nghị về chủ trương, giải pháp thiết thực về thực hiện dân chủ ở cơ sở của đơn vị.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch nêu rõ: Các Trưởng Đoàn kiểm tra căn cứ vào quyết định kiểm tra, kế hoạch kiểm tra, chủ động tiến hành kiểm tra, ban hành kết luận kiểm tra và báo cáo kết quả với đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo, đồng thời gửi 1 bản về Thanh tra VKSND tối cao để theo dõi.
Thành viên Tổ thư ký tại đơn vị công tác của đồng chí Ủy viên Ban Chỉ đạo, Trưởng Đoàn kiểm tra tham mưu đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành quyết định kiểm tra, thành lập Đoàn kiểm tra để thực hiện Kế hoạch này và thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo.
Đơn vị được Ban Chỉ đạo trực tiếp tiến hành kiểm tra kịp thời xây dựng báo cáo bằng văn bản gửi Trưởng Đoàn kiểm tra trong thời hạn quy định theo Đề cương kèm theo Kế hoạch này.