'Kế hoạch hòa bình' tiềm năng của ông Trump cho xung đột Nga - Ukraine
'Kế hoạch hòa bình' của ông Donald Trump sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 có thể bao gồm việc yêu cầu Ukraine từ chối gia nhập NATO trong 20 năm và thiết lập một khu phi quân sự.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 7/11, các nguồn tin cho biết ông Trump vẫn chưa phê duyệt một kế hoạch cụ thể, bao gồm cả cách ông sẽ thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù các cố vấn đã đưa ra ý tưởng, nhưng quyết định cuối cùng sẽ do một mình ông Trump đưa ra.
Ví dụ, một ý tưởng được đề xuất với ông Trump, được ba người thân cận với tổng thống đắc cử nêu chi tiết, là Kiev cam kết sẽ không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm. Đổi lại, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn một cuộc tấn công từ Nga trong tương lai.
Kế hoạch cũng sẽ đóng băng tiền tuyến và cả hai bên sẽ đồng ý về một khu phi quân sự. Không rõ ai sẽ kiểm soát khu vực này, nhưng một cố vấn của ông Trump cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ không bao gồm quân đội Mỹ.
"Chúng tôi có thể cung cấp đào tạo và hỗ trợ khác, nhưng 'nòng súng' sẽ là của châu Âu. Chúng tôi không gửi binh sĩ Mỹ đến để giữ gìn hòa bình ở Ukraine. Và chúng tôi sẽ không trả tiền cho việc đó. Hãy để người Ba Lan, người Đức, người Anh và người Pháp làm điều đó", một trong những thành viên trong nhóm cố vấn của ông Trump cho biết.
Đầu năm nay, Keith Kellogg và Fred Fleitz, những người từng phục vụ trong Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, đã trình bày với ông một kế hoạch hành động, theo đó Mỹ sẽ trì hoãn cung cấp vũ khí cho Ukraine cho đến khi Kiev đồng ý đàm phán hòa bình với Nga. Ukraine có thể tìm cách giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ, nhưng họ sẽ phải thực hiện thông qua đàm phán ngoại giao.
Không rõ ông Trump sẽ theo đuổi chiến lược nào trong số này. Nhưng bất kỳ nỗ lực nào để khởi xướng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, chưa nói đến việc ký kết một thỏa thuận, sẽ gặp phải nhiều trở ngại.
Đầu tiên, Ukraine và Nga tiếp tục theo đuổi các mục tiêu quân sự rất khác nhau và không tìm cách thay đổi. Ngoài ra, sẽ có sự phản đối mạnh mẽ từ một số đồng minh NATO.
Trong khi đó, theo WSJ, Tổng thống Zelensky có thể dễ dàng bị thuyết phục đàm phán hơn, nhưng ông sẽ phải đối mặt với áp lực từ công chúng liên quan đến vấn đề lãnh thổ.
Trước đó, vào ngày 5/11, Mỹ đã tổ chức bầu cử tổng thống. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng. Một số nhà lãnh đạo nước ngoài, bao gồm cả Tổng thống Ukraine, đã chúc mừng ông Trump về chiến thắng của mình.
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng ông đã có cuộc điện đàm tuyệt vời với Trump, trong đó hai nhà lãnh đạo đã nhất trí duy trì đối thoại chặt chẽ và phát triển hợp tác.
Trong một bài đăng trên X, ông Zelensky nhắc lại cuộc hội đàm trực tiếp với ông Trump tại thành phố New York (Mỹ) vào tháng 9 vừa qua: “Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về quan hệ đối tác chiến lược Ukraine - Mỹ, Kế hoạch Chiến thắng (do Tổng thống Zelensky trình bày với các đồng minh) và các biện pháp chấm dứt hành động của Nga ở Ukraine. Chúng tôi mong đợi kỷ nguyên của một nước Mỹ hùng mạnh dưới sự lãnh đạo quyết đoán của Tổng thống Trump".
Tuy nhiên, trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 6/11, ông Trump không hề nhắc đến Ukraine.