Kế hoạch cung cấp vũ khí của Đức cho Ukraine rơi vào bế tắc
Theo báo cáo nội bộ từ Bộ Quốc phòng Đức, yêu cầu của Kiev về phụ tùng thay thế cho pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 do Berlin cung cấp đã không được đáp ứng, khiến lực lượng Ukraine không thể sử dụng loại pháo này trong cuộc tấn công tỉnh Kursk của Nga.
Báo cáo cho biết trường hợp của pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 là một trong khoảng 30 lĩnh vực “hỗ trợ ưu tiên” trị giá khoảng 3 tỷ euro mà Đức cam kết hỗ trợ Ukraine chưa được đáp ứng, cùng các lĩnh vực khác bao gồm hệ thống phòng không, pháo binh và thiết bị bay không người lái.
“Nguồn cung từ kho dự trữ của Bundeswehr (Bộ Quốc phòng Đức) không thể được đảm bảo như đã lên kế hoạch và cam kết”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Đức cho biết, đồng thời cảnh báo rằng hỗ trợ chung đang “gặp rủi ro”.
Theo báo cáo của truyền thông Đức, biện pháp khẩn cấp tiết kiệm chi phí của Chính phủ Đức nhằm đóng băng viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh khủng hoảng ngân sách đang diễn ra trong nước đã làm gián đoạn không chỉ viện trợ trong tương lai, mà còn cả kế hoạch cung cấp vũ khí, thiết bị và đạn dược mà Bộ Quốc phòng Đức đã cam kết.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã gửi một lá thư tới Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này về nhu cầu cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine trước động thái “thắt lưng buộc bụng”, đồng thời cam kết sẽ gửi những gì đã cam kết.
“Bữa tiệc đã kết thúc và nồi cũng đã cạn”, một nguồn tin chính phủ nói với giới truyền thông khi thảo luận về việc đóng băng viện trợ cho Ukraine.
Cuộc khủng hoảng ngân sách của Đức diễn ra trong bối cảnh cường quốc kinh tế châu Âu này đang phải đối mặt với suy thoái trong phần lớn 2 năm rưỡi qua, sau khi cắt đứt khỏi nguồn cung dầu của Nga. Các nhà sản xuất lớn phải rời khỏi đất nước để tìm kiếm năng lượng rẻ hơn với thuế suất thấp hơn.
Đức là nhà viện trợ quân sự lớn thứ 2 cho Ukraine trong NATO, chỉ sau Mỹ. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Berlin đã cam kết cung cấp cho Ukraine hơn 10,2 tỷ euro viện trợ vũ khí . Đức đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí - bao gồm từ xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder đến hệ thống tên lửa tầm xa IRIS-T và Patriot, súng phòng không Gepard, hệ thống tên lửa phóng loạt MLRS MARS, tên lửa Stinger, thiết bị bay không người lái, xe tăng và xe chiến đấu bộ binh thời Liên Xô còn lại từ Đông Đức cũ.
Trong diễn biến liên quan, hôm 11/8, Nga đã chỉ trích tờ Bild của Đức đăng tải bài viết mang tính hận thù, đồng thời cảnh báo Nga có thể đưa xe tăng tối tân đến thủ đô Berlin.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo trên tài khoản X: “Tờ Bild của Đức đã đăng một bài báo theo chủ nghĩa phục thù, trong đó tự hào tuyên bố xe tăng Đức đã quay trở lại đất Nga. Đáp lại, chúng tôi sẽ làm mọi cách để đưa những xe tăng tối tân của Nga đến quảng trường ở Berlin”.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, binh sĩ Ukraine, với sự hỗ trợ của thiết bị bay không người lái, hệ thống tác chiến điện tử, xe bọc thép do phương Tây viện trợ, đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga từ hôm 6/8.
Các đồng minh phương Tây luôn phản đối Ukraine dùng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga do lo ngại xung đột leo thang. Chỉ đến gần đây, một số nước bắt đầu bật đèn xanh cho phép Kiev sử dụng những vũ khí nhất định để tập kích các mục tiêu quân sự ở biên giới Nga.
Bình luận về cuộc đột kích của Ukraine vào khu vực Kursk của Nga, Bộ Ngoại giao Đức cho biết: “Ukraine có quyền tự vệ được quy định trong luật pháp quốc tế. Điều này không giới hạn ở lãnh thổ của họ”.
Bộ Quốc phòng Nga đề cập đến thiết bị của Đức gần như hàng ngày trong các báo cáo chiến trường về vũ khí bị phá hủy trong cuộc xung đột.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Đức đã tăng ngân sách quân sự và tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng, một mặt để hỗ trợ Kiev, một mặt để đảm bảo an ninh quốc phòng.