Kế hoạch cho vay quốc phòng của EU tiếp tục bị trì hoãn

Chương trình cho vay quốc phòng trị giá 150 tỷ euro của EU vẫn đang bị đình trệ bởi chưa đạt được thỏa thuận về số tiền mà các nhà sản xuất vũ khí bên ngoài EU có thể nhận được theo các điều khoản trong thỏa thuận.

Ngày 13/5, các Bộ trưởng Tài chính của EU đã có cuộc tranh luận quyết liệt tại Brussels về các điều kiện cụ thể cho các đối tác bên ngoài tham gia chương trình này. Theo đó, mặc dù các quốc gia bên ngoài được phép tham gia chương trình nếu ký hiệp ước quốc phòng với EU nhưng cho đến nay các đại diện vẫn chưa thống nhất được các điều kiện cụ thể để cho phép các công ty quốc phòng bên ngoài khối này ký kết hợp đồng theo chương trình cho vay có tên là Hành động An ninh cho Châu Âu (SAFE). Đề xuất ban đầu từ Ủy ban châu Âu quy định rằng ít nhất 65% giá trị các sản phẩm quân sự được mua theo chương trình này phải được sản xuất tại EU, Na Uy hoặc Ukraine.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đặt ra về cách tính chi tiêu với các nhà thầu phụ, cũng như các điều kiện để cấp quyền tiếp cận ngành công nghiệp quốc phòng ở các quốc gia bên ngoài EU có ký kết các thỏa thuận thương mại song phương với EU. Vấn đề quan trọng được đặt ra đối với chương trình này là trong điều kiện nào thì các quốc gia có thỏa thuận thương mại về công nghiệp quốc phòng với EU để có thể đảm bảo việc tiếp cận thêm các hợp đồng mua sắm cho các công ty quốc phòng của mình. Đề xuất của Ủy ban châu Âu cũng chưa làm rõ việc này sẽ tác động như thế nào đến tỷ lệ phân chia 65% của châu Âu và 35% của nước thứ ba. Một số quốc gia EU cũng đang vận động hành lang để gia hạn thời hạn đề xuất chi tiền cho chương trình cho vay quốc phòng này.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Andrzej Domański chia sẻ ý kiến có một số quốc gia muốn có sự linh hoạt hơn trong việc đưa các nhà sản xuất vũ khí nước ngoài vào chương trình cho vay quốc phòng và cần có thảo luận về khung thời gian thực hiện. Dự kiến, các Đại sứ từ các nước EU tại Brussels sẽ họp lại vào 14/5 để trao đổi cụ thể các quan điểm dựa trên hướng dẫn mới nhất từ các Bộ trưởng và đề xuất thỏa hiệp mới của Ba Lan, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU và đóng vai trò chủ trì các cuộc đàm phán. Ba Lan vẫn đang nỗ lực thực hiện các bước đi để đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng này cho vấn đề trên.

Hải Đăng/VOV-Praha

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ke-hoach-cho-vay-quoc-phong-cua-eu-tiep-tuc-bi-tri-hoan-post1199249.vov
Zalo