Kế hoạch cải tổ chính phủ gây sốc của Elon Musk và những thách thức

Tỷ phú Elon Musk, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ định phụ trách 'Bộ Hiệu quả Chính phủ' mới đây đã đề xuất một kế hoạch cải cách triệt để, nhằm định hình lại hoàn toàn cơ cấu và mô hình hoạt động của chính phủ liên bang Mỹ.

Trên cương vị đứng đầu Bộ Hiệu quả chính phủ, Elon Musk có thể đi vào lịch sử với kế hoạch cải tổ gây sốc (Ảnh: Fox News)

Trên cương vị đứng đầu Bộ Hiệu quả chính phủ, Elon Musk có thể đi vào lịch sử với kế hoạch cải tổ gây sốc (Ảnh: Fox News)

Kế hoạch cải cách gây sốc

Theo ý tưởng của Elon Musk, 428 cơ quan liên bang hiện có ở Mỹ sẽ được sắp xếp hợp lý lại thành 99, việc giảm biên chế hàng loạt sẽ được thực hiện trong các cơ quan chính phủ, với tỷ lệ sa thải lên tới 77%. Động thái này chắc chắn sẽ gây ra những cú sốc chính trị và xã hội rất lớn.

Elon Musk chỉ ra rằng nhiều cơ quan liên bang hiện nay rất xa lạ với công chúng, trong đó nhiều cơ quan thậm chí người dân cũng không thể hiểu được sự cần thiết tồn tại của chúng. Ông nhấn mạnh rằng các cơ quan này đang hoạt động không hiệu quả và quan liêu, cần phải được chỉnh đốn triệt để.

Trong bối cảnh đó, Musk không chỉ đề xuất cắt giảm các cơ quan dư thừa mà còn lên kế hoạch phân bổ lại khối lượng công việc cho những nhân viên chính phủ vẫn đang làm việc.

 Elon Musk quyết tâm đưa chính phủ Mỹ bước vào sự thay đổi toàn diện (Ảnh: Creaders)

Elon Musk quyết tâm đưa chính phủ Mỹ bước vào sự thay đổi toàn diện (Ảnh: Creaders)

Kế hoạch cải cách của Musk chắc chắn là chưa từng có trong lịch sử, liên quan đến ba nhiệm vụ chiến lược lớn và sẽ đưa chính phủ Mỹ bước vào sự thay đổi toàn diện:

Đầu tiên, Elon Musk sẽ tập trung vào việc loại bỏ tình trạng quan liêu của chính phủ, tức giảm số nhân viên và tăng hiệu quả, sẽ loại bỏ các bộ phận và nhân sự kém hiệu quả, đồng thời đặt ra các yêu cầu cao hơn về hiệu quả đối với các nhân viên hiện có.

Thứ hai, cắt giảm các quy định quá mức và chi tiêu lãng phí, chẳng hạn như “Dự án nghiên cứu chuyển đổi giới tính loài khỉ” do Bộ Nông nghiệp lập ra, đồng thời cắt giảm trên quy mô lớn các chi phí không cần thiết do những quy định quá mức.

Thứ ba, tái cơ cấu các cơ quan liên bang và hợp nhất các bộ phận tương tự để loại bỏ các cơ quan và chức năng chồng chéo không cần thiết, giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế.

Chuỗi biện pháp cải cách này tương tự như những lần cải cách lớn trong lịch sử nước Mỹ và chắc chắn sẽ khơi dậy sự phản kháng mạnh mẽ từ tầng lớp công chức.

 Áo pull in logo của DOGE hiện rất được giới trẻ Mỹ ưa thích (Ảnh: Creaders)

Áo pull in logo của DOGE hiện rất được giới trẻ Mỹ ưa thích (Ảnh: Creaders)

Những thách thức và khả năng thành công

Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency, DOGE) được Tổng thống đắc cử Donald Trump thành lập mới và giao cho Elon Musk phụ trách cùng Vivek Ramaswamy, thực chất là sự tuyên chiến với bộ máy quan liêu hiện có với mục tiêu loại bỏ các cơ quan, bộ ngành không cần thiết và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ.

Ông Trump gọi DOGE là "Dự án Manhattan của thời đại chúng ta" với mục tiêu "xóa bỏ quan liêu, cắt giảm các quy định quá mức, cắt giảm chi tiêu lãng phí và tái cơ cấu các cơ quan liên bang".

“Dự án Manhattan” (Manhattan Project) vốn là một kế hoạch do Bộ Lục quân Hoa Kỳ khởi xướng năm 1942 nhằm phát triển bom nguyên tử cuối cùng đã nổ ở Nhật Bản. Lần này, ông Trump quyết ra tay để “nổ tung” các nhân viên trong chính phủ mà ông gọi là tham nhũng.

DOGE thậm chí còn có mục tiêu yêu nước là tặng nước Mỹ một chính phủ quy mô nhỏ hơn, hiệu quả hơn như một "món quà" nhân kỷ niệm 250 năm ký Tuyên ngôn Độc lập.

Nhìn bề ngoài, kế hoạch này của Elon Musk rõ ràng là cần thiết cho chính phủ Mỹ lúc này. Trong năm tài chính 2024, chính phủ liên bang chi 6.750 tỷ USD, với mức thâm hụt 1.800 tỷ USD. Mức thâm hụt cao tích lũy qua nhiều năm khiến khoản nợ của chính phủ liên bang hiện đã vượt mốc 35 nghìn tỷ USD.

 Elon Musk và người đồng nghiệp Vivek Ramaswamy rất quyết tâm dấn thân vào cuộc cải tổ mang tính lịch sử (Ảnh: TheEconomicTimes)

Elon Musk và người đồng nghiệp Vivek Ramaswamy rất quyết tâm dấn thân vào cuộc cải tổ mang tính lịch sử (Ảnh: TheEconomicTimes)

Thỉnh thoảng, chính phủ liên bang buộc phải đóng cửa cho đến khi Quốc hội thông qua gói tài chính mới với mức trần nợ cao hơn. Khoản nợ này là tiền huy động từ khắp nơi trên thế giới. Vay tiền từ bên ngoài để hỗ trợ sự phát triển của mình thì tốt, nhưng nợ nần ngày càng tăng cũng là một rủi ro rất lớn.

Nếu Musk có thể giúp chính phủ Mỹ “gỡ bom nợ” thành công, ông sẽ là người có đóng góp to lớn cho lịch sử. Tuy nhiên, thông báo của ông Trump không đưa ra cam kết cụ thể nào. Người ta chỉ có thể tìm ra cơ sở cho chính sách của DOGE từ những quan điểm trước đây của hai “người đứng đầu” nó.

Cả Musk và Ramaswamy đều chưa có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, nhưng theo quan điểm của họ, điều hành một quốc gia cũng giống như điều hành một công ty. Họ đều là những người nhiệt thành ủng hộ một "chính phủ nhỏ".

Cả hai người đều đã thực hiện việc sa thải quy mô lớn tại công ty của mình. Sau khi Elon Musk mua lại X (Twitter), ông đã giảm mạnh quy mô công ty từ 8.000 xuống còn 1.500 người và nhận thấy công ty vẫn hoạt động rất suôn sẻ. Ramaswamy là một doanh nhân công nghệ sinh học đã mua cổ phần của Buzzfeed và thúc đẩy công ty sa thải bớt nhân viên.

 Tuyên bố đầy quyết tâm của Elon Musk và Vivek Ramaswamy (Ảnh: Sina).

Tuyên bố đầy quyết tâm của Elon Musk và Vivek Ramaswamy (Ảnh: Sina).

Ông Ramaswamy đề xuất cắt giảm 75% nhân viên liên bang và trục xuất những đứa trẻ sinh ra ở Mỹ của những người nhập cư bất hợp pháp. Hồi tháng 9 ông nói có có thể sa thải các nhân viên chính phủ dựa trên số nhận dạng xã hội của họ, sa thải những người số lẻ và loại bỏ một nửa.

Trong khi đó, Musk đề xuất cắt giảm 428 cơ quan liên bang xuống còn 99 và sa thải 77% số công chức. Mặt khác, ông kêu gọi "những nhà cách mạng chính phủ nhỏ cuồng nhiệt có tinh thần sứ mệnh" hãy tham gia chính phủ.

Cuộc cải cách này không chỉ là một thách thức đối với hệ thống chính quyền hiện có mà còn là sự thanh toán triệt để các thế lực chính trị bảo thủ của Mỹ.

Mặc dù phải đối mặt với áp lực to lớn và sự phản đối mạnh mẽ, nhưng rõ ràng Elon Musk đã chuẩn bị cho cơn bão cải cách này. Ba nhiệm vụ lớn của ông sẽ liên quan đến những thay đổi lớn về chính trị và xã hội, cho dù đó là sa thải công chức hay tái tổ chức các nguồn lực, tất cả đều sẽ là tâm điểm gây tranh cãi.

Những cải cách như vậy chắc chắn sẽ trở thành một nút thắt quan trọng trong lịch sử chính trị nước Mỹ và cũng sẽ trở thành một chuẩn mực để toàn thế giới quan sát về hiệu quả hoạt động và cải cách của chính quyền Donald Trump 2.0.

Theo Finance.sina, Creaders

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ke-hoach-cai-to-chinh-phu-gay-soc-cua-elon-musk-va-nhung-thach-thuc-post180121.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo