Kẽ hở pháp lý từ hoạt động tự công bố sản phẩm
Trong vài năm trở lại đây, cơ chế tự công bố sản phẩm được kỳ vọng sẽ giảm tải cho cơ quan quản lý và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sự thông thoáng này lại trở thành kẽ hở khiến không ít sản phẩm 'đội lốt' hàng chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng - thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe.
Công bố một đằng, sản phẩm một nẻo
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp được quyền tự công bố sản phẩm thực phẩm hoặc mỹ phẩm mà không cần xin phép trước từ cơ quan chức năng. Họ chỉ cần gửi hồ sơ công bố lên cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm với nội dung đó. Thay vì “duyệt trước, kiểm tra sau”, cơ chế hiện hành chuyển sang “công bố trước, hậu kiểm sau”.

Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương bị thu hồi.
Về lý thuyết, cơ chế này giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, giảm chi phí hành chính và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, công bố sai lệch thành phần, công dụng - thậm chí sử dụng chất cấm để đánh lừa người tiêu dùng.
Mới đây, Bộ Công an vừa triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Bước đầu cơ quan Công an xác định từ tháng 8/2021 đến nay, các nghi phạm đã thành lập Công ty Cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột.
Đến nay đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Có cả sản xuất các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Điều đáng nói, doanh nghiệp cũng tự công bố các thành phần của sữa có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... Song trên thực tế hoàn toàn không có những chất này. Các nghi phạm đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan Công an xác định sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Trước đó vụ việc liên quan đến kẹo giảm cân Kera do công ty Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt của Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên phân phối trên thị trường khiến dư luận xôn xao.
Sản phẩm này được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội với các công dụng “thần kỳ” như một viên kẹo tương đương một đĩa rau. Trên nhãn mác và hồ sơ công bố, thành phần chỉ bao gồm thảo dược thiên nhiên. Thế nhưng kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng lại cho thấy kẹo Kera chứa hoạt chất sorbitol chiếm tỷ lệ 35% thành phần, một chất sử dụng trong thuốc xổ. Điều này cho thấy nội dung tự công bố và sản phẩm thực tế hoàn toàn trái ngược. Điều đáng nói là doanh nghiệp không hề xin cấp phép cho thành phần sorbitol, mà chỉ đơn giản ghi thành phần an toàn để qua mặt hệ thống tự công bố.
Vụ việc kẹo rau củ Kera cũng khiến dư luận bức xúc bởi “vàng thau lẫn lộn”, và người tiêu dùng là người chịu thiệt. Những sản phẩm liên quan đến sức khỏe nhưng họ lại không được cơ quan nào kiểm chứng chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.
Tương tự, sản phẩm dầu gội trị chấy cho trẻ em của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương - một thương hiệu nổi tiếng trong nước - cũng bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế “tuýt còi” vì chứa thành phần thực tế không đúng với hồ sơ công bố.
Theo đó, Cục Quản lý Dược vừa ra văn bản đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin - Hộp 1 tuýp 30g. Trên nhãn ghi Số lô: 0050924; HSD: 13/9/2027. Lý do thu hồi: mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Methylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Công ty cần gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm vi phạm về Cục Quản lý Dược trước ngày 3/5/2025. Phóng viên đã liên hệ với Công ty Cổ phần Sao Thái Dương để làm việc liên quan đến nội dung sản phẩm có chứa chất không đúng như bản tự công bố sản phẩm nhưng phía công ty từ chối trả lời.
Trên fanpage và website chính thức của công ty, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương khẳng định một số trang mạng đã đưa tin không chính xác. Việc thu hồi chỉ áp dụng đối với một lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin, mã số lô 0050924. Các sản phẩm khác thuộc dòng Aladin cũng như các dòng sản phẩm Thái Dương 3 và Thái Dương 7 không bị ảnh hưởng.
Công ty giải thích nguyên nhân thu hồi do lô sản phẩm nêu trên có chứa thành phần Methylparaben, tuy nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định nhưng không đồng nhất với hồ sơ công bố sản phẩm ban đầu. Methylparaben là chất bảo quản được phép sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành như mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm. Về biện pháp xử lý, ngay khi phát hiện sự không đồng nhất này, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đã chủ động tiến hành thu hồi và xử lý lô sản phẩm theo đúng quy định, đồng thời đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội), việc sản xuất mỹ phẩm sai thành phần công bố không chỉ là vi phạm hành chính, mà còn tiềm ẩn rủi ro vi phạm dân sự và hình sự. Trong vụ việc của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có thể thấy đây không chỉ là vi phạm hành chính trong lĩnh vực mỹ phẩm, mà còn có nguy cơ dẫn đến trách nhiệm bồi thường dân sự, thậm chí trách nhiệm hình sự trong trường hợp xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Theo điểm a khoản 3 Điều 53 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, hành vi sản xuất mỹ phẩm có chứa các thành phần không đúng với hồ sơ công bố bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Không dừng lại ở mức xử phạt tài chính, theo khoản 7 Điều 53 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm vi phạm; Buộc cải chính thông tin nếu sản phẩm đã quảng cáo sai sự thật; Buộc thu hồi số tiếp nhận công bố sản phẩm trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu tái phạm.
Đặc biệt, nếu xác định có hành vi cố ý gian dối trong hồ sơ công bố, mức phạt có thể được áp dụng ở mức cao nhất, đi kèm với tước quyền sử dụng số công bố trong thời gian nhất định - điều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và phân phối của doanh nghiệp.
Trong trường hợp sản phẩm gây phản ứng phụ cho người tiêu dùng - đặc biệt là trẻ em, nhóm đối tượng nhạy cảm với paraben - thì công ty có thể phải đối mặt với yêu cầu bồi thường dân sự theo quy định tại Điều 608 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thậm chí, kể cả khi không có lỗi cố ý, Công ty vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường theo nguyên tắc khách quan nếu sản phẩm được xem là nguồn nguy hiểm cao độ (Điều 623 Bộ luật Dân sự).
Ngoài nghĩa vụ với người tiêu dùng, doanh nghiệp còn có thể đối mặt với trách nhiệm bồi thường cho đối tác thương mại như chuỗi nhà thuốc, siêu thị, đại lý phân phối.
“Với một doanh nghiệp vốn xây dựng hình ảnh dựa trên tiêu chí “tự nhiên - dược liệu” như Sao Thái Dương, việc này không chỉ là khủng hoảng tài chính, mà còn là rủi ro mất kênh phân phối chiến lược. Trong trường hợp có bằng chứng cho thấy hành vi cố tình sản xuất sai thành phần để trốn tránh kiểm soát hay xảy ra hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên diện rộng (người dùng bị tổn hại sức khỏe nghiêm trọng, sản phẩm gây ảnh hưởng đến cộng đồng)… thì hoàn toàn có cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự gián tiếp theo các tội danh về gian dối trong kinh doanh, sản xuất - buôn bán hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm (Điều 193, 194, 195 Bộ luật Hình sự tùy theo hậu quả cụ thể)”, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho hay.
Bịt kẽ hở trong hoạt động tự công bố sản phẩm
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, những vụ việc như kẹo Kera hay dầu gội Aladin của Sao Thái Dương dành cho trẻ em chứa chất bảo quản Methylparaben không có trong công bố đang dấy lên lo ngại về trách nhiệm đạo đức doanh nghiệp và sự chặt chẽ trong công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn.
Trong bối cảnh thị trường đang dịch chuyển theo xu hướng “tiêu dùng có trách nhiệm”, người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với vấn đề an toàn, minh bạch và nguồn gốc tự nhiên, đặc biệt là với sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, người bệnh, người cao tuổi.
“Ở góc nhìn pháp lý, mọi hành vi sản xuất - kinh doanh sai lệch thành phần công bố đều là vi phạm pháp luật. Nhưng ở góc nhìn đạo đức thị trường, đó còn là hành vi phản bội niềm tin khách hàng - thứ duy nhất giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài. Một thương hiệu có thể mất hàng chục năm để xây dựng, nhưng chỉ cần một quyết định sai lầm về thành phần sản phẩm, là đủ để sụp đổ toàn bộ giá trị vô hình đó. Doanh nghiệp chỉ cần một lần vi phạm về thành phần công bố, hoặc sử dụng hoạt chất gây tranh cãi - dù có được xử lý hành chính - thì hậu quả đối với lòng tin khách hàng là không thể phục hồi dễ dàng. Thực tế cho thấy, những khẩu hiệu như “chiết xuất thiên nhiên”, “dược liệu truyền thống”, “an toàn cho trẻ nhỏ” từng là lợi thế tiếp thị của nhiều thương hiệu giờ đây có thể trở thành gậy phản chủ nếu vi phạm bị phanh phui”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, các vụ việc gần đây không chỉ là những dấu hiệu cho thấy lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, mà còn là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc về trách nhiệm pháp lý và đạo đức doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường cạnh tranh bằng niềm tin. Hai vụ việc điển hình - kẹo Kera chứa Sorbitol (một hoạt chất dùng trong thuốc xổ) và dầu gội Aladin của Công ty CP Sao Thái Dương chứa Methylparaben không khai báo - là minh chứng rõ ràng cho những lỗ hổng pháp lý nghiêm trọng trong cơ chế “tự công bố sản phẩm” theo quy định hiện hành.
Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP và 93/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp được tự kê khai thành phần, công dụng, tiêu chuẩn chất lượng, sau đó gửi hồ sơ lên cơ quan quản lý mà không cần kiểm nghiệm thực tế trước khi lưu hành. Đây chính là kẽ hở căn bản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp “qua mặt” cơ quan chức năng bằng hồ sơ “đẹp” nhưng sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Không chỉ vậy, cơ quan quản lý chủ yếu kiểm tra hồ sơ, thiếu công cụ và nguồn lực để giám sát chất lượng sản phẩm ngoài thực tế. Việc hậu kiểm rời rạc, phản ứng chậm khiến người tiêu dùng vô tình trở thành “bộ lọc cuối” cho những sản phẩm kém chất lượng.
Ngoài ra, trách nhiệm trong chuỗi phân phối chưa được ràng buộc đủ mạnh. Nhà thuốc, đại lý, sàn thương mại điện tử… vẫn có thể phân phối sản phẩm sai phạm mà không chịu liên đới, dẫn đến sự đứt gãy trong truy cứu trách nhiệm.
Cuối cùng, chế tài xử lý còn quá nhẹ. Với mức phạt hành chính chỉ vài chục triệu đồng, không đủ sức răn đe trong bối cảnh doanh nghiệp sẵn sàng đánh đổi vì lợi nhuận. Trong khi đó, truy cứu hình sự gần như bị “bỏ trống”, trừ khi xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn đưa ra nhận định: Nếu không có biện pháp siết chặt giám sát và truy cứu trách nhiệm thực chất, những vụ việc như Kera hay Aladin sẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào thể chế quản lý.
“Cơ chế tự công bố, về mặt nguyên tắc, là một bước tiến trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, nếu thiếu trách nhiệm giải trình, thiếu kiểm tra chéo độc lập, cơ chế này sẽ biến thành “lá chắn hợp pháp” cho hành vi gian dối có hệ thống. Vì vậy, Cơ quan quản lý nhà nước không nên chỉ dừng ở vai trò tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ. Đã đến lúc cần chuyển trọng tâm sang “giám sát rủi ro - hậu kiểm thông minh - chế tài mạnh tay”, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn niềm tin thị trường”, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.