Kẻ Gũ bên sông Lèn
Nằm bên tả ngạn sông Lèn, vùng đất Kẻ Gũ xưa - nay thuộc xã Lĩnh Toại đã lập dựng 7, 8 thế kỷ. Đi qua thời gian với những thăng trầm, trên đất Kẻ Gũ hôm nay vẫn có một không gian văn hóa làng quê thanh bình với những dấu tích lịch sử, văn hóa, địa danh... còn được nhắc nhớ.

Vùng đất cổ Kẻ Gũ đẹp thanh bình.
Kẻ Gũ nằm trong vùng đồng chiêm trũng, sát tả ngạn sông Lèn. Xung quanh làng là những ngọn núi thấp được người dân đặt tên, như: núi Tra, núi Voi, núi Gũ, núi Dạ... Trong đó, núi Gũ, núi Gỏn theo trí tưởng tượng dân gian như “hình tượng con rùa vàng", từ biển Đông theo sông Lèn nằm trên bờ theo hướng từ Nam sang Bắc. Thân rùa là núi Gũ to cao, cổ đầu rùa là núi Gỏn thấp nhỏ... Tạo thành bức bình phong thiên nhiên che chở cho sự bình yên, trù phú của làng.
Sông Lèn - một nhánh của hạ lưu sông Mã từ ngã Ba Bông chảy về, tạo nên vành đai ấp ôm những làng nhỏ của Kẻ Gũ. Đứng từ trên núi Gũ, nhìn về phía Tây Nam sẽ nhìn thấy sông Lèn uốn khúc chảy qua núi Tra, núi Bưng, rồi núi Gũ, sau đó lại hợp với sông (kênh) Báo Văn. Dù không lớn song trong lịch sử, sông Lèn có vai trò quan trọng về giao thông đường thủy. Đặc biệt, “trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sông này đã được sử dụng để vận chuyển lương thực, hàng hóa, đạn dược từ các tỉnh phía Bắc vào Thanh Hóa và chuyển vào các chiến trường qua kho trung chuyển Hà Phú” (tức Kẻ Gũ xưa).
Theo lưu truyền dân gian và tài liệu lưu giữ tại địa phương, tên gọi Kẻ Gũ bắt đầu có vào thời nhà Trần. Dòng họ Ngô (Đông) với những con người đầu tiên đã đến khu vực núi Dạ (núi Dạ ngày nay đã trở thành làng mạc) bên sông Lèn khai phá đất đai. Đất lành chim đậu, sau họ Ngô Đông thì người họ Ngô (Khang), Trịnh, Nguyễn... cùng lần lượt đến đây chung tay góp sức lập nên làng Gũ. Về sau, còn có thêm người của các họ Hoàng, Lê, Phạm, Lã... Thời Hậu Lê, làng Gũ thuộc huyện Nga Giang; đến đầu thời nhà Nguyễn làng thuộc tổng Đông Bột và được đổi tên thành Trị Cụ. Sau Cách mạng Tháng Tám, Trị Cụ thuộc xã Lĩnh Toại, về sau tách ra thành xã Hà Phú. Và hiện nay, sau sáp nhập xã, vùng đất Kẻ Gũ - Trị Cụ bên sông Lèn thuộc xã Lĩnh Toại.
Nằm bên sông Lèn song lại là vùng đất đồng chiêm trũng, núi đan xen nên Kẻ Gũ xưa - làng Gũ ngày nay không có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Bù lại, việc “cận giang” đã tạo cho vùng đất này có lợi thế hình thành nên các tuyến đò dọc, đò ngang đông vui, tấp nập - từng bước trở thành nơi tìm về giao thương sôi động của người muôn phương.
Chợ Gũ nằm ven sông Lèn. Trong lịch sử, khi giao thông đường thủy vẫn giữ vai trò trọng yếu thì chợ làng Gũ là địa điểm bán mua đông đúc. Trong những phiên chợ Gũ, “các thuyền buôn người Nghệ An mang nồi đất và mật mía ra, Ninh Bình, Nga Sơn thì mang chiếu vào, Hậu Lộc mang cá tôm, mắm, muối, Vĩnh Lộc mang nông sản, Thạch Thành, Cẩm Thủy mang lâm sản, còn người Hà Trung lại có nông thủy sản, cá, ốc đồng... bồ cót, thuyền nan, quang giắng, thừng, đồ dùng tre nan...” (Lịch sử Đảng bộ xã Hà Phú).
Lý giải cho sự sầm uất một thuở của chợ Gụ, theo sách Địa chí huyện Hà Trung: “Do nằm ngay sát tuyến đường giao thông đường thủy từ Thần Phù - ngã Tư Tuần - ngã Ba Bông, cho nên chợ Gũ không còn mang tính chất chợ quê của một làng, một xã mà đó còn là một trung tâm buôn bán thời phong kiến. Chợ Gũ là nơi tụ hội người buôn, kẻ bán từ các vùng xa đến như người Nghệ An, Ninh Bình và các huyện Nga Sơn, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Hậu Lộc... Hàng hóa, sản vật ở chợ này lúc nào cũng phong phú”.

Nghi môn phủ Đại với kiến trúc thời Nguyễn còn sót lại.
Cũng theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, trước Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, tại chợ Gũ đã diễn ra cuộc mít tinh lớn. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện tại chợ Gũ và làng Gũ trong niềm phấn khởi của người dân.
Từ lợi thế giao thương, những người dân làng Gũ với sự chịu thương, chịu khó và nhanh nhẹn đã chèo thuyền buôn (dân gian gọi là buôn bè) đi khắp nơi. Họ mang lương thực, thực phẩm lên miền ngược bán, sau đó lại đổi lấy lâm, thổ sản mang về xuôi. Việc buôn bán thuận lợi đã từng tạo nên những gia đình thương nhân có tiếng trong vùng.
Ngày nay, dẫu quy mô buôn bán của chợ Gũ đã thu hẹp song tên gọi chợ Gũ với những “vang bóng một thời” vẫn là niềm tự hào được người dân vùng đất cổ bên sông Lèn nhắc nhớ, kể lại cho cháu con.
Lại nói, một trong những yếu tố quan trọng để chợ Gũ trở thành địa điểm giao thương, buôn bán sầm uất một thuở, không thể không nhắc đến vai trò của những tuyến đò dọc, đò ngang bên sông Lèn. Đứng nơi bến đò quê hương, bà Lê Thị Lương, một người cao tuổi ở làng Gũ, trầm ngâm: “Cuộc sống thay đổi từng ngày, so với vài mươi năm về trước, cảnh và người bây giờ cũng đã nhiều đổi thay, những tấp nập, sôi động một thuở giờ chỉ còn thấp thoáng trong miền ký ức. Dù vậy, có thế nào thì quê hương vẫn ở đó, vẫn là nơi ra đi - chốn tìm về cho mỗi người”. Vừa nói, bà Lương vừa thủng thẳng đọc câu ca đã quen thuộc với mỗi người dân làng Gũ: “Giữa làng thì có cây đa/ Đầu làng cây gạo, ngã ba cây bàng/ Qua sông đã có đò ngang/ Chợ họp giữa làng, đường tỉnh chạy qua”.
Trên quê hương Kẻ Gũ, cùng nỗ lực mưu sinh, những thế hệ người dân địa phương còn vun đắp, sáng tạo nên những giá trị cho đời sống văn hóa phong phú. Là những công trình tín ngưỡng tâm linh gắn liền với đời sống người dân, những lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian.
Theo người cao tuổi trong làng, xưa kia ở làng Gũ có chùa (Hoa Dương tự); đình thờ Thành hoàng làng; nghè, phủ thờ thánh. Bên cạnh đó là lễ hội tế thần, cầu phúc diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới với nhiều nét đẹp văn hóa lâu đời.
Đáng tiếc, trải qua chiến tranh và thăng trầm thời gian, ngày nay nhiều công trình kiến trúc văn hóa trên đất cổ Kẻ Gũ đã bị hư hỏng. Một phủ Đại có nghi môn thời Nguyễn không còn nguyên vẹn; chùa Hoa Dương đang từng bước được tôn tạo với tấm lòng phát tâm công đức của người dân địa phương và du khách xa gần...
... Dù nhiều thay đổi, mất mát, song có một điều chắc chắn, Kẻ Gũ xưa - làng Gũ bên sông Lèn hôm nay vẫn là miền quê đẹp níu bước chân người.
(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: Địa chí huyện Hà Trung; NXB Khoa học xã hội - năm 2005; Lịch sử Đảng bộ xã Hà Phú, NXB Thanh Hóa - năm 2007).