Kể chuyện sau ngày 30/4/1975: Tôi sinh ngày 30/4/1975

Không chỉ hạnh phúc vì được đón sinh nhật đúng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mà những người con luôn mang trong mình cả sự tự hào, niềm tin và hy vọng...

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hoàng Thị Vân.

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hoàng Thị Vân.

1. Ngày 30/4/1975, một ngày trọng đại của cả nước thì trong một gia đình ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (giờ là phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) cũng vỡ òa hạnh phúc khi đón thêm thành viên mới là một bé gái. Gia đình đặt tên là Hoàng Thị Vân. Đất nước 50 năm chuyển mình thì giờ Hoàng Thị Vân cũng tròn 50 tuổi. Chị nhớ lại: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Sau này, nghe mẹ kể, khi sinh, tôi nhỏ như cái “mấu võng”. Có người đến chơi, đã đùa rằng: “Nhỏ thế này thì nuôi lúc nào cho lớn”.

Hoàng Thị Vân sinh vào ngày đặc biệt nên dễ nhớ, như chị chia sẻ, rằng: “Tôi cảm thấy may mắn vì được sinh đúng ngày thống nhất đất nước và hạnh phúc hơn khi sau này tôi lại được làm nghề gắn với lịch sử, bảo tồn các giá trị lịch sử”.

Hơn 20 năm là cán bộ làm công tác sưu tầm giá trị di sản tại Bảo tàng tỉnh, đã đưa Hoàng Thị Vân đến được nhiều nơi. Chị từng đi sưu tầm hiện vật ở Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên,... mỗi chuyến đi là một kỷ niệm. Hoàng Thị Vân kể: “Chúng tôi đã từng đi sưu tầm hiện vật liên quan đến các bác cựu chiến binh tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Tình cảm của bộ đội thời kỳ đó đối với Nhân dân Thanh Hóa sâu sắc nên đi đến đâu họ cũng nhớ, tự hào và trân trọng... Có hiện vật gì, các bác cũng hiến tặng hết. Cũng có lần chúng tôi về huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, được gặp gỡ một bác 70 tuổi là quân nhân phục viên, con cái cũng nghèo. Điều khiến chúng tôi cảm động nhất là trên bức tường ở phòng ngủ của bác có vẽ quang cảnh cầu Hàm Rồng và 2 bên cầu là dân quân Nam Ngạn và Yên Vực. Tình cảm sâu đậm như thế...”.

Đứa bé như “mấu võng” ngày ấy - Hoàng Thị Vân giờ là thạc sĩ, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh.

2. Câu chuyện của anh Nguyễn Hữu Đông, một công dân gương mẫu ở thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa). Nguyễn Hữu Đông cũng sinh đúng vào ngày 30/4/1975. Bố anh, một người lính, đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ anh, bà Nguyễn Thị In, là thanh niên xung phong thuộc đơn vị C893-N89-P31-Ban XD67.

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Đông.

Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Đông.

Nhớ lại lúc “chuyển dạ”, sinh con trai cả Nguyễn Hữu Đông, bà Nguyễn Thị In lại bỗng bồi hồi. Bà nói: “Lúc đấy, chồng tôi reo to: Ôi! Thằng bé này đẻ đúng vào ngày giải phóng Sài Gòn, đầu lại hói, trán lại dô, sau này chắc sẽ làm tướng đây...”. Kể đến đây, giọng bà In bỗng chùng xuống: “Tiếc là, gia đình nghèo quá, không thể cho con ăn học đến nơi, đến chốn nên con cũng chỉ là một lao động tự do, theo nghề biển của làng...”.

Sự khó khăn như bà nói bởi, bà về chế độ trợ cấp một lần. Năm 1994, chồng bà In qua đời. 19 tuổi, bố mất, Nguyễn Hữu Đông trở thành trụ cột chính trong gia đình. Trước đó, do nhà nghèo, Nguyễn Hữu Đông cũng chỉ được học đến lớp 2. Từ năm 15 tuổi, anh đã phải đi lao động để cùng bố nuôi ông bà, mẹ và 2 em. Khi 20 tuổi, anh đi đánh cá ngoài khơi... Sau này, khi lập gia đình, vẫn chủ yếu là anh chăm lo cho vợ và các con.

“Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa bao giờ tổ chức sinh nhật. Dù cứ đến ngày 30/4, anh em, họ hàng gặp tôi ai cũng thân mật nói: Chúc mừng thêm một tuổi. Nhưng cũng có lần ở trên tàu khi vào đúng ngày 30/4, sẵn có ít mực khô, tôi nướng lên rồi mời anh em, uống cùng với nước lọc...”, Nguyễn Hữu Đông dí dỏm chia sẻ.

Nói thêm về ngày sinh của con, bà Nguyễn Thị In phấn chấn: “Vì sinh vào ngày toàn thắng nên ông nhà tôi luôn hy vọng, con đi đâu, làm gì cũng sẽ giành chiến thắng. Tôi sau này nói với thằng Đông, nhà nghèo, mẹ lại không có lương, nên dù bất kỳ ở hoàn cảnh nào, con cũng phải cố gắng làm việc tốt, sống tốt... Mấy chục năm qua, mừng là con luôn nỗ lực, vượt khó”.

Theo trưởng thôn Văn Phong, anh Vũ Văn Thiên thì: “Trong nhiều năm liên tục, gia đình bà In được công nhận là gia đình văn hóa. Trước đây, gia đình bà In thuộc hộ nghèo. Nguyễn Hữu Đông là một công dân gương mẫu, bà con trong thôn ai cũng thương quý”.

Thời điểm hay nơi chốn sinh ra không quyết định thân phận. Sinh trong ngày đất nước thống nhất, đó không chỉ là niềm vui mà còn là sự tự hào cũng như một sự nhắc nhở sống sao cho xứng với những hy sinh của các thế hệ đi trước...Tôi nhớ đến chia sẻ của Nguyễn Hữu Đông. Anh đã nói: “Được sinh trong thời điểm thống nhất đất nước, như bố tôi thì vẫn mong con sau này được thành đạt. Nhưng trong suy nghĩ của tôi, luôn nỗ lực, phấn đấu, để “nếu không thành công thì cũng thành nhân”. Bản thân lúc nào cũng luôn mong muốn có một cuộc sống tốt cho gia đình, người thân...".

Bài và ảnh: Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ke-chuyen-sau-ngay-30-4-1975-nbsp-toi-sinh-ngay-30-4-1975-36709.htm
Zalo