Kể chuyện lịch sử bằng âm nhạc

Những bài hát xuyên suốt chiều dài đất nước trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ được bộ ba ca sĩ Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn thể hiện trong liveshow nhạc cách mạng 'Đất nước trọn niềm vui' tại Hà Nội.

Bộ ba “nhạc đỏ” Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn sẽ hội ngộ trong đêm nhạc cách mạng “Đất nước trọn niềm vui”.

Bộ ba “nhạc đỏ” Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn sẽ hội ngộ trong đêm nhạc cách mạng “Đất nước trọn niềm vui”.

Những giai điệu khắc họa lịch sử

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), bộ ba “nhạc đỏ” Đăng Dương - Trọng Tấn - Việt Hoàn hội ngộ trong đêm nhạc cách mạng “Đất nước trọn niềm vui” diễn ra vào ngày 24-5 với nhiều câu chuyện lịch sử được kể bằng âm nhạc.

Chia sẻ về chương trình, ông Tạ Đình Công, Giám đốc sản xuất Công ty tổ chức sự kiện MediaMax (đơn vị sản xuất chương trình), cho biết, trong năm 2025 sẽ diễn ra nhiều lễ kỷ niệm lớn của đất nước, mỗi người dân Việt Nam lại thêm tự hào về lịch sử dân tộc, biết ơn những thế hệ đi trước để có được hòa bình của ngày hôm nay. Vì thế, đơn vị quyết định tổ chức đêm nhạc “Đất nước trọn niềm vui” để góp thêm những mảng màu sắc âm nhạc cách mạng vào đời sống văn hóa, giải trí cả nước. “Những ca khúc cách mạng đưa mỗi người dân được sống lại từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúng tôi quyết định tổ chức đêm nhạc “Đất nước trọn niềm vui” vào tháng 5 với mong muốn tiếp tục lan tỏa không khí hào hùng, tự hào của đất nước” - ông Tạ Đình Công chia sẻ.

Đêm nhạc “Đất nước trọn niềm vui” giới thiệu loạt ca khúc của thời kỳ chống Mỹ như “Hành khúc ngày và đêm” (Phan Huỳnh Điểu), “Đường chúng ta đi” (Huy Du), “Cùng hành quân giữa mùa xuân” (Cẩm La), “Tình ca” (Hoàng Việt), “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà)... Đạo diễn âm nhạc, nhạc sĩ Sơn Thạch cho biết, chương trình như thước phim lịch sử được kể bằng âm nhạc về hành trình gian khổ của đoàn quân giải phóng cho đến ngày thống nhất đất nước. Các bài hát trong chương trình sẽ đưa khán giả đến từng vùng, miền khác nhau theo lộ trình thời gian và không gian để cảm nhận được nhịp bước của cuộc hành quân.

“Các ca khúc được lựa chọn đều rất nổi tiếng, chủ yếu thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi muốn giữ đúng tinh thần của bài hát để khi tiếng nhạc dạo cất lên là khán giả đã cảm nhận được sự quen thuộc. Bởi thế, chương trình sẽ cố gắng thực hiện các bản phối một cách giản dị nhất” - nhạc sĩ Sơn Thạch bày tỏ.

Cũng vì mong muốn mang đến một không gian âm nhạc gần gũi, đúng tinh thần của âm nhạc cách mạng thời xưa, các nghệ sĩ sẽ hát mộc mạc, theo phong cách những bản thu từng phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Một số tiết mục được dàn dựng đơn giản, chỉ có tiếng accordion hoặc guitar đệm, gợi không khí những buổi xem văn công thời chiến. Khách mời của chương trình là ca sĩ Anh Thơ, người có nhiều bài song ca ăn ý với Trọng Tấn, Việt Hoàn.

Những hồi ức đẹp

Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn là ba giọng ca nổi bật của dòng nhạc cách mạng, quê hương. Họ được nghệ sĩ Quang Thọ ghép thành tam ca từ năm 1998, sau Cuộc thi Tiếng hát sinh viên chuyên nghiệp toàn quốc. Bộ ba lần đầu ra mắt trong chương trình kỷ niệm 10 năm Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, lập tức được khán giả đón nhận. 27 năm gắn bó, tam ca cùng xuất hiện ở nhiều chương trình. Các nghệ sĩ từng có hai liveshow vào năm 2018, 2020. Vài năm gần đây, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn có nhiều dự án riêng nên ít đứng trên sân khấu cùng nhau, vì thế cả ba ca sĩ đều rất mong chờ lần trở lại này.

Ca sĩ Trọng Tấn chia sẻ, những ca khúc cách mạng ngấm vào anh từ nhỏ. Cha của anh là bộ đội ở chiến trường miền Nam. Năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ông được xuất ngũ trở về quê hương. Một năm sau, anh chào đời. “Từ nhỏ, tôi thường được nghe bố hát nhạc đỏ. Những ca khúc cách mạng vang lên trong suốt tuổi thơ nên tôi đã sớm có tình yêu đặc biệt với những ca khúc này. Sau này, chính những ca khúc nhạc đỏ đã mang đến cho tôi những thành công trên con đường âm nhạc” - ca sĩ Trọng Tấn cho biết.

Cùng ôn lại kỷ niệm về thời điểm lịch sử của dân tộc, ca sĩ Việt Hoàn nhớ lại, năm 1975, anh đã 8 tuổi nên được hòa chung không khí nô nức của ngày thống nhất đất nước. "Thời ấy, người dân chỉ được tiếp cận thông tin qua báo đài. Những ca khúc cách mạng vang lên suốt ngày góp phần làm không khí chiến thắng thêm tưng bừng, hân hoan. Sau này, khi trở thành ca sĩ hát các ca khúc cách mạng, tôi thường đặt mình vào vị trí của những người lính để truyền tải đúng tinh thần bài hát" - ca sĩ nói.

Còn với ca sĩ Đăng Dương, những ca khúc cách mạng là một phần không thể thiếu của cuộc sống. “Cả sự nghiệp ca hát của tôi đều gắn với các ca khúc cách mạng, tôi coi đó là một cái duyên lớn của mình. Tôi sinh ra trước thời điểm đất nước thống nhất nhưng cả tuổi thơ sau này của tôi lại được hưởng trọn vẹn cuộc sống hạnh phúc của hòa bình, độc lập. Tôi hát các ca khúc cách mạng từ nhỏ, sau này tôi vẫn chọn hát các ca khúc cách mạng cho con đường lập nghiệp. Tôi thấy rằng, muốn hát nhạc cách mạng hay thì phải hiểu lịch sử vì mỗi bài hát ở mỗi giai đoạn lịch sử có những màu sắc và thông điệp khác nhau. Bản thân tôi cũng rất ý thức học lịch sử từ những bài hát” - ca sĩ bày tỏ.

Yêu, gắn bó và thành công với các ca khúc cách mạng, vì thế trong liveshow “Đất nước trọn niềm vui”, các nghệ sĩ tham gia chương trình tin tưởng đây là đêm nhạc đáng nhớ không chỉ của riêng mình mà còn mang đến không khí lay động lòng người, đưa khán giả sống lại những năm tháng gian khó mà hào hùng của dân tộc trên con đường giành độc lập, thống nhất non sông.

Vũ Hoàng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ke-chuyen-lich-su-bang-am-nhac-701027.html
Zalo