Kbang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Không chỉ được thiên nhiên ưu ái với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vùng đất Kbang (tỉnh Gia Lai) còn hội tụ đa sắc màu văn hóa của các dân tộc cùng nhiều di tích lịch sử nổi tiếng.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện chủ động xây dựng chương trình, hoạt động kích cầu để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Điểm đến hấp dẫn

Nằm trong vùng lõi cao nguyên Kon Hà Nừng, Kbang sở hữu diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh với độ che phủ gần 70%. Thảm rừng nhiệt đới quanh năm xanh ngát, hệ động-thực vật đa dạng, phong phú, hệ thống ghềnh thác vừa hùng vĩ vừa nên thơ dày đặc như: thác K50, Kon Bông, Kon Lốc... cùng nhiều hồ tạo thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.

Cùng với đó, di tích lịch sử Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An), Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung), Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong trở thành những điểm đến không thể thiếu trong bản đồ du lịch Kbang.

Tiến sĩ Vũ Huyền Trang-Trưởng khoa Thiết kế thời trang (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Từ năm 2021 đến nay, chị tham gia Dự án “Bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm Bahnar ở xã Kông Lơng Khơng” do Hội đồng Anh tài trợ. Gần 4 năm “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn nghệ nhân, người dân bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, chị không quên thưởng cho mình những chuyến đi xuyên qua những cánh rừng ngắm núi non trùng điệp, ngắm buôn làng bình yên giữa miền sơn cước.

 Tiến sĩ Vũ Huyền Trang (hàng đầu bên trái)-Trưởng khoa Thiết kế thời trang, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) cùng hội viên phụ nữ làng Kgiang. Ảnh: An Phát

Tiến sĩ Vũ Huyền Trang (hàng đầu bên trái)-Trưởng khoa Thiết kế thời trang, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) cùng hội viên phụ nữ làng Kgiang. Ảnh: An Phát

“Tôi đã đi nhiều nơi, nhiều vùng đất của Tây Nguyên nhưng chưa thấy nơi nào hội tụ hài hòa di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và bản sắc văn hóa như ở Kbang. Người dân bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống, lễ hội, lễ cúng độc đáo và còn khá nguyên vẹn. Những ngôi nhà sàn truyền thống còn khá nhiều.

Đây là điểm cộng không chỉ thu hút khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm mà còn giúp cho địa phương phát triển du lịch cộng đồng bền vững”-Tiến sĩ Vũ Huyền Trang nhận xét.

Sau những chuyến đi phượt, leo núi, ngủ rừng Kbang, từ năm 2018, anh Bùi Ngọc Thanh-người con của vùng đất Tây Sơn Hạ đạo đã xây dựng thành công tour du lịch kết nối vùng rừng núi huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) với đại ngàn Trường Sơn.

Hàng năm, anh Thanh hướng dẫn khoảng 100 đoàn khách du lịch tham gia lội bộ qua những cánh rừng nguyên sinh nghe tiếng chim hót, nước chảy, tắm suối, ngắm thác; ban đêm nghỉ tại homestay tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa của người dân địa phương.

“Mấy năm gần đây, Kbang đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, tổ chức các sự kiện văn hóa để lại dấu ấn trong lòng du khách. Nhiều đoàn quay lại Kbang. Họ rất thích cảnh quan thiên nhiên núi rừng, đặc biệt là thưởng ngoạn cảnh sắc, cắm trại nghỉ ngơi, vui chơi bên những thác nước”-anh Thanh bày tỏ.

 Kbang được thiên nhiên ưu ái nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thu hút đông đảo khách du lịch bốn phương. Ảnh: An Phát

Kbang được thiên nhiên ưu ái nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thu hút đông đảo khách du lịch bốn phương. Ảnh: An Phát

Ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: “Năm 2017, Kbang chỉ đón vài ngàn lượt du khách, nay tăng lên hơn 10 ngàn lượt/năm. Hoạt động này đã kéo theo nhiều loại hình dịch vụ khác phát triển. Trong đó, du lịch cộng đồng là loại hình được nhiều du khách tìm kiếm trải nghiệm, khám phá.

Điều này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vốn có mà còn tạo việc làm, nguồn thu nhập, cải thiện đời sống người dân; tạo thế và lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.

Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với quyết tâm đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với phát triển dịch vụ nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, từ năm 2022 đến nay, huyện Kbang đã xuất ngân sách và huy động các nguồn lực hàng trăm tỷ đồng đầu tư xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng phục vụ du lịch.

Hiện 100% tuyến đường từ trung tâm huyện đi các xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường liên thôn, đường nội bộ các thôn, làng và 87% đường đi các khu sản xuất được nâng cấp đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân, phục vụ tham quan, trải nghiệm của khách du lịch. Hạ tầng thông tin các điểm du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2024, huyện bố trí gần 16 tỷ đồng triển khai mô hình sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng tại làng Stơr (xã Tơ Tung) và làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng).

 Đường làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng) được đầu tư mở rộng, thảm nhựa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện và phục vụ khách du lịch đến tham quan tốt hơn. Ảnh: An Phát

Đường làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng) được đầu tư mở rộng, thảm nhựa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện và phục vụ khách du lịch đến tham quan tốt hơn. Ảnh: An Phát

Ông Đinh Văn Brếch-Trưởng thôn Mơ Hra-Đáp cho hay: Làng có 208 hộ với 817 khẩu, người Bahnar chiếm 96%. Khi huyện triển khai mô hình du lịch cộng đồng, làng tuyên truyền, vận động người dân đóng góp công sức chung tay xây dựng nhà rông; cải tạo cảnh quan nơi ở, tham gia các lớp tập huấn đan lát, dệt thổ cẩm, chỉnh chiêng và trình diễn cồng chiêng.

“Kết thúc các đợt tập huấn, người dân tiếp thu nhiều kiến thức làm du lịch, nâng cao kỹ năng, tay nghề; ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt hơn”-ông Brếch cho hay.

Với mong muốn biến di sản văn hóa thành tài sản du lịch, năm 2019, anh Đinh A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng) mạnh dạn xây dựng homestay A Ngưi. Đến năm 2021, anh thành lập Công ty TNHH Dịch vụ du lịch A Ngưi.

Mỗi năm, Công ty đón hơn 1.500 lượt du khách trong và ngoài tỉnh. Nhờ làm du lịch, anh A Ngưi không chỉ “sống khỏe” mà còn tạo nhiều việc làm cho người dân.

“Công ty tạo việc làm cho 35-50 lao động địa phương tham gia trình diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, chế biến thức ăn với mức tiền công 200-250 ngàn đồng/người/ngày. Công ty mua gà, rau củ quả, rượu cần của bà con để phục vụ du khách.

Khách du lịch đến đây có thể thuê trang phục, đạo cụ để chụp hình lưu dấu chuyến đi, mua quà lưu niệm. Từ đó, dân làng có thêm nguồn thu nhập”-anh A Ngưi chia sẻ.

 Du khách tham quan thác Kon Bông (xã Đăk Rong). Ảnh: Huyền Tỷ

Du khách tham quan thác Kon Bông (xã Đăk Rong). Ảnh: Huyền Tỷ

Theo ông Đinh Bư-Bí thư Đảng ủy xã Tơ Tung, phát triển du lịch cộng đồng mang lại lợi ích kép cho đồng bào dân tộc thiểu số. Dân làng Stơr từ già đến trẻ đều rất vui khi tham gia các hoạt động du lịch. Họ hăng hái trình diễn cồng chiêng, đan lát, dệt vải, giới thiệu văn hóa truyền thống để có nhiều du khách đến với quê hương mình.

Năm 2024, tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện Kbang đạt 8,07%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; trong đó, giá trị sản xuất ngành dịch vụ chiếm 28,3%, tăng 0,52% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người đạt 49,14 triệu đồng, tăng 3,65 triệu đồng so với năm 2023.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngành du lịch từng bước được chú trọng hơn, tiềm năng du lịch ngày càng được khai thác và phát huy hiệu quả.

Chủ trương của huyện là đẩy mạnh huy động nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp và các gia đình, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch tại cộng đồng nhằm đưa du lịch Kbang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.

AN PHÁT

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/kbang-phat-trien-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-post306888.html
Zalo