Kbang phát huy vai trò người có uy tín
Với uy tín và kinh nghiệm phong phú, đội ngũ người có uy tín huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã trở thành lực lượng nòng cốt trên nhiều lĩnh vực và là 'điểm tựa' của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương.
Huyện Kbang có 74 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm qua, đội ngũ này đã làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, chung tay xây dựng thôn mới (NTM).
Làng Lợt (xã Kông Bơ La) có 119 hộ, 100% là người dân tộc Bahnar. Với vai trò là người có uy tín, ông Đinh Chôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt hương ước, quy ước của làng, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Với mong muốn làng có thêm đội cồng chiêng, ông đã đến từng nhà vận động cha mẹ cho phép con em mình tham gia. “Tháng 8-2023, đội cồng chiêng làng Lợt ra mắt với 24 thành viên, độ tuổi 10-17. Song song với tham gia luyện tập cùng đội cồng chiêng người lớn, tôi phối hợp với các đoàn thể vận động hội viên phụ nữ có nguyện vọng, năng khiếu để thành lập câu lạc bộ cồng chiêng nữ trong thời gian đến”-ông Chôi chia sẻ.
Những năm qua, ông Chôi còn vận động người dân đóng góp kinh phí, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn; vận động 36 hộ tham gia mô hình cánh đồng mía lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Nhờ đó, năng suất mía đạt 100-120 tấn/ha, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. “Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 38 triệu đồng/năm. Bà con còn tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng công trình phụ, sửa sang nhà cửa để hoàn thành các tiêu chí làng NTM. Đến nay, làng đã đạt 18/19 tiêu chí NTM”-ông Chôi phấn khởi thông tin.
Còn ông Triệu Văn Phượng-người có uy tín ở làng Kdâu (xã Kông Lơng Khơng) không chỉ tích cực tham gia hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn, nắm bắt tình hình phản ánh kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc mà còn đi đầu trong phát triển kinh tế. Gia đình ông Phượng có 1 ha lúa và 2 ha mì, bắp. Năm 2013, ông chuyển đổi 1 ha mì sang trồng mắc ca. Tận dụng khoảng trống trong vườn mắc ca, ông trồng xen đậu, bắp để lấy ngắn nuôi dài. Khi vườn mắc ca khép tán, ông chăn thả gà bên dưới tạo thêm thu nhập cho gia đình.
“Năm 2018, tôi tiếp tục trồng 250 cây mắc ca trên 1 ha đất còn lại. Tôi thường chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ khác. Đến nay, làng có hơn 20 ha mắc ca. Gia đình tôi còn chăn nuôi trâu, gà, vịt và mở dịch vụ gặt lúa thuê bằng máy liên hợp. Thu nhập của gia đình gần 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”-ông Phượng nói.
Ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho biết: “Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín đã làm rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Với phong trào xây dựng NTM, đội ngũ người có uy tín tiên phong đóng góp kinh phí và vận động người dân hiến đất, chung tay xây dựng các công trình dân sinh. Trong phát triển kinh tế, họ luôn đi đầu trong việc tìm biện pháp, cách làm mới, khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương tạo ra những mô hình hiệu quả”.
Theo kết quả rà soát năm 2024, huyện Kbang còn 1.649 hộ nghèo, giảm 410 hộ so với năm 2023. Trong đó, 1.483 hộ nghèo người DTTS, giảm 387 hộ so với năm 2023. Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, huyện đã có 6 làng đạt chuẩn NTM.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Để người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, phòng chuyên môn triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ này. Kịp thời biểu dương, khen thưởng người uy tín tiêu biểu có nhiều đóng góp trong các phong trào ở địa phương.
“Cùng với đó, huyện tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ người có uy tín, thông qua việc cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế-xã hội của địa phương. Tạo điều kiện cho các già làng, người có uy tín tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa; học hỏi các mô hình kinh tế có hiệu quả để về áp dụng, vận động bà con thực hiện. Hướng dẫn họ tiếp tục vận động người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” nhằm xây dựng buôn làng ngày càng phát triển”-ông Cường thông tin.