Jensen Huang không tin khoa học viễn tưởng như Elon Musk nhưng xây nên tương lai AI, không có người kế nhiệm
Tại Nvidia, việc bị Giám đốc điều hành Jensen Huang khiển trách gần như là điều nhân viên phải trải qua.
Jensen Huang từng xác nhận điều đó trong các buổi phỏng vấn trước đây và nay, nhà văn Stephen Witt đã kể lại bằng trải nghiệm của chính mình.
Stephen Witt là tác giả cuốn sách The Thinking Machine: Jensen Huang, Nvidia, and the World's Most Coveted Microchip (Cỗ máy tư duy: Jensen Huang, Nvidia và vi mạch được thèm muốn nhất thế giới), ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của tỷ phú người Mỹ gốc Đài Loan sinh năm 1963, cũng như hành trình Nvidia vươn lên từ cái tên mờ nhạt trở thành ngôi sao của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).
Stephen Witt mô tả rằng việc bị khiển trách là điều khá thường xuyên trong lịch sử của Nvidia. Văn hóa hãng chip AI số thế giới rất khắt khe. Jensen Huang thích mổ xẻ công việc của đội ngũ trong các cuộc họp lớn để cả nhóm có thể học hỏi. Cuốn sách của Stephen Witt không chỉ nói về những gì các nhân viên Nvidia đã làm, mà còn đi sâu vào cách họ tư duy về ảnh hưởng lịch sử của các phát minh từng tạo ra.
Ở phần cuối của cuốn sách (đã phát hành ở châu Á và ra mắt tại Mỹ hôm 8.4), Stephen Witt đã phỏng vấn Jensen Huang trong một căn phòng đầy bảng trắng ghi chi tiết quá khứ và tương lai của Nvidia.
Jensen Huang lúc đó trông rất mệt mỏi vì vừa kết thúc hội nghị thường niên dày đặc của công ty. Sau hàng loạt câu trả lời ngắn gọn và thiếu nhiệt tình của Jensen Huang, Stephen Witt đã mở một đoạn băng năm 1964, trong đó nhà văn khoa học viễn tưởng Arthur C. Clarke nói rằng máy móc rồi sẽ suy nghĩ nhanh hơn con người. Lúc đó, Jensen Huang thay đổi hoàn toàn thái độ, chuyển từ thờ ơ sang căng thẳng.
Stephen Witt viết rằng anh cảm thấy như mình đã chạm phải "lằn ranh đỏ" (chủ đề cấm kỵ). Jensen Huang không muốn nói về việc AI khiến con người mất việc, không muốn tiếp tục phỏng vấn hay hợp tác để hoàn thành cuốn sách.

Cuốn sách của Stephen Witt về Jensen Huang tại một hiệu sách ở Đài Loan - Ảnh: Robert Smith
Stephen Witt chia sẻ với trang Insider về ngày hôm đó và lý do vì sao Jensen Huang xem bản thân khác hoàn toàn so với những ông trùm công nghệ khác như Elon Musk của Tesla hay Sam Altman của OpenAI. Nvidia từ chối bình luận về việc này.
Ở cuối nội dung cuốn sách, Jensen Huang có nhắc đến Elon Musk và sự khác biệt giữa họ. Stephen Witt hỏi Jensen Huang về tương lai mà ông đang xây dựng. Jensen Huang nói: “Tôi cảm giác như cậu đang phỏng vấn Elon chứ không phải tôi”. Câu nói đó nghĩa là gì?
Stephen Witt nghĩ rằng điều Jensen Huang muốn nói là Elon Musk thuộc kiểu người theo trường phái khoa học viễn tưởng. Gần như mọi thứ Elon Musk làm đều bắt nguồn từ tầm nhìn tương lai kiểu viễn tưởng, rồi ông mới làm ngược lại để phát triển công nghệ phù hợp với viễn cảnh đó.
Ví dụ cụ thể nhất: Elon Musk muốn đứng trên bề mặt sao Hỏa. Đó là một tầm nhìn kiểu khoa học viễn tưởng. Vậy tỷ phú này phải làm gì từ hôm nay để biến điều đó thành hiện thực?
Jensen Huang thì hoàn toàn ngược lại. Ước mơ duy nhất của ông ấy là Nvidia tiếp tục tồn tại và phát triển. Giám đốc điều hành Nvidia sẽ bắt đầu từ những gì đang có trước mắt và xây dựng hướng tới tương lai xa nhất mà ông có thể nhìn thấy từ các nguyên tắc cơ bản, logic. Thế nhưng, Jensen Huang không có các tầm nhìn khoa học viễn tưởng, và ghét khoa học viễn tưởng. Stephen Witt nói đó chính là lý do Jensen Huang mắng anh. Jensen Huang nói thẳng rằng chưa từng đọc một cuốn sách nào của Arthur C. Clarke.
Jensen Huang, Elon Musk, Sam Altman cùng những doanh nhân khác đang cùng hoạt động và tương tác trong cùng một không gian công nghệ ở thời điểm hiện tại, đó là phát triển và ứng dụng AI.
Theo Stephen Witt, những người kia đến từ một tương lai với AGI (AI tổng quát) tươi sáng, còn Jensen Huang thì nói kiểu: “Tôi sẽ xây phần cứng mà mấy người họ cần và xem mọi chuyện sẽ đi đến đâu”.
AGI là dạng AI có khả năng hiểu, học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ đa dạng một cách linh hoạt, giống hay vượt trội con người. Không giống AI hẹp, vốn chỉ giỏi trong một lĩnh vực cụ thể (như nhận dạng giọng nói hoặc hình ảnh), AGI có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó giải quyết các vấn đề phức tạp một cách tự chủ và sáng tạo. OpenAI định nghĩa AGI là "một hệ thống có tính tự chủ cao, vượt trội hơn con người ở hầu hết công việc có giá trị kinh tế".
Hãy nhìn các bài viết trên blog của Sam Altman về năm giai đoạn tiếp theo của AI. Đó thực sự là những nội dung hấp dẫn. Jensen không viết ra những tài liệu như thế và cũng từ chối làm như vậy, Stephen Witt cho hay.
Mới tháng trước, Elon Musk có buổi livestream toàn công ty Tesla và nói về sự thịnh vượng có thể đạt được thông qua AI.
Jensen Huang sẽ không bao giờ làm chuyện đó, không đưa ra dự đoán tương lai theo kiểu vậy, theo Stephen Witt. Jensen Huang có khả năng suy luận về tương lai dựa trên logic và dữ kiện hiện tại, nhưng không mơ mộng viễn tưởng.
“Jensen là một người phức tạp và tôi cũng không chắc 100% tại sao ông lại mắng tôi. Nghe khó tin, nhưng tôi cam đoan là thật: Ông ấy ghét nói trước công chúng, ghét phỏng vấ và ghét thuyết trình trên sân khấu. Ông ấy không chỉ từng thừa nhận điều này mà thực sự ghét và rất căng thẳng mỗi khi phải làm điều đó. Vì thế, giờ đây khi GTC (Hội nghị Công nghệ GPU của Nvidia) đã trở thành sự kiện lớn, nó thực sự khiến ông căng thẳng”, Stephen Witt nói.
“Không có người kế nhiệm”
Ở đầu nội dung cuốn sách, Jensen Huang từng nói đùa rằng ông hy vọng sẽ chết trước khi sách được xuất bản. Câu nói đó khiến Stephen Witt nghĩ đến việc ai sẽ kế nhiệm Jensen Huang (hiện 62 tuổi).
Jensen Huang không thể làm Giám đốc điều hành Nvidia mãi, nhưng vẫn đang trong thể trạng rất tốt. Ông ấy là một “quả cầu năng lượng”, lúc nào cũng hoạt động, tràn đầy sức sống. Trong ít nhất 10 năm nữa, Jensen Huang vẫn điều hành Nvidia, Stephen Witt dự đoán.
Stephen Witt hỏi Nvidia và công ty nói không có kế hoạch kế nhiệm nào cả. Jensen Huang nói thẳng: “Tôi không có người kế nhiệm”.
Sơ đồ tổ chức của Nvidia là Jensen Huang ở trên đỉnh và 60 người báo cáo trực tiếp cho ông. Stephen Witt có nhắc điều này trong sách: Jensen Huang không có phó tướng.
Lý do viết sách về Jensen Huang

Stephen Witt là tác giả cuốn sách The Thinking Machine: Jensen Huang, Nvidia, and the World's Most Coveted Microchip - Ảnh: Insider
Trang Insider hỏi Stephen Witt: “Anh mô tả trong cuốn sách rằng mình từng là một game thủ và sử dụng card đồ họa Nvidia cho đến khi chủ động ngừng chơi game vì lo sợ bị nghiện. Vậy sau đó Nvidia có hoàn toàn biến mất khỏi tầm nhìn của anh suốt 10 đến 15 năm không? Làm sao anh lại viết cuốn sách này?”.
Stephen Witt trả lời: “Đây là một câu chuyện thú vị. Lẽ ra tôi nên đưa nó vào cuốn sách. Tôi đã mua cổ phiếu Nvidia từ đầu những năm 2000, rồi bán đi trong bực bội. Về cơ bản, tôi đã làm điều y chang như đồng sáng lập Nvidia - Curtis Priem. Tôi cũng bán cổ phiếu vào năm 2005 hoặc 2006. Trong vòng 7 năm tiếp theo, điều đó có vẻ là một nước đi tuyệt vời, vì giá cổ phiếu đã giảm sâu sau đó. Tôi còn nghĩ: ‘Ơn trời là mình đã bán’, vì nó còn giảm thêm 90% nữa. Có lẽ tôi huề vốn hoặc lỗ nhẹ một chút.
Tôi từng làm việc trong ngành tài chính và một điều nghịch lý mà nhiều người không hiểu là: Việc tốt nhất bạn có thể làm cho danh mục đầu tư của mình là bán cổ phiếu kém nhất, vì sẽ nhận được ưu đãi về thuế.
Khi bán lỗ cổ phiếu, bạn có thể khấu trừ khoản lỗ đó vào thu nhập chịu thuế, giảm số thuế phải nộp ở Mỹ.
Lúc đó, việc bán cổ phiếu Nvidia có vẻ là một thương vụ tốt. Rồi tôi hoàn toàn không chú ý gì đến Nvidia suốt 17 năm.
Mãi đến khi ChatGPT xuất hiện, tôi mới bắt đầu chú ý trở lại. Tôi đã tự hỏi: ‘Chuyện gì đang xảy ra với Nvidia thế? Sao một công ty game lại tăng trưởng kinh khủng như vậy?’. Tôi bắt đầu tìm hiểu và nhận ra họ đang nắm thế độc quyền về hạ tầng AI phía sau hậu trường.
Tôi nghĩ: ‘Ồ, chắc mình sẽ viết bài về Jensen và giới thiệu nó cho tạp chí The New Yorker’. Thật lòng mà nói, tôi nghĩ câu chuyện này sẽ tương đối nhàm chán. Tôi đã cực kỳ bất ngờ khi phát hiện Jensen là người thú vị đến vậy. Ban đầu khi thấy cổ phiếu tăng mạnh, tôi nghĩ chắc Nvidia đã có CEO mới, làm điều gì đó đặc biệt.
Nhưng điều bất ngờ lớn nhất là tôi phát hiện Jensen vẫn đang điều hành công ty. Thậm chí lúc đó, ông ấy còn là CEO công nghệ tại vị lâu nhất trong chỉ số S&P 500.
Tôi đã sốc và nghĩ: ‘Là cùng một người? Vẫn làm điều y chang như xưa?’. Và tôi nhận ra: Jensen là nhân vật hấp dẫn hơn bất kỳ điều gì mình từng tưởng tượng”.
S&P 500 là một chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ, đại diện cho 500 công ty đại chúng lớn nhất đang niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ như NYSE (Sở giao dịch chứng khoán New York) và Nasdaq.
Nó được xem là chỉ số đại diện tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ vì bao gồm các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như công nghệ, tài chính, y tế, năng lượng, tiêu dùng,...
Một số công ty nổi bật trong S&P 500 có thể kể đến Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Nvidia, Meta Platforms, Tesla..
Khi nói thị trường tăng hay giảm, họ thường đang nói đến chỉ số S&P 500 vì nó phản ánh khá chính xác sức khỏe của thị trường chứng khoán Mỹ nói chung.