Italy chật vật ứng phó với dịch tả lợn

Ông Alberto Cavagnini - chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở Italy đã phải tiêu hủy hơn 1.600 con lợn của mình do dịch tả lợn, một loại virus đe dọa ngành công nghiệp thịt lợn trị giá 20 tỷ euro của Italy, bao gồm cả món thịt lợn muối sấy khô (prosciutto) nổi tiếng thế giới của nước này.

Một trang trại nuôi lợn ở tây bắc Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Một trang trại nuôi lợn ở tây bắc Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch tả lợn - gây tử vong cho lợn và là thảm họa cho nền kinh tế, đã đặc biệt ảnh hưởng đến các vùng phía bắc của Lombardy, Piedmont và Liguria, và sự lây lan của dịch bệnh này đang khiến nước láng giềng Pháp lo sợ.

Theo số liệu chính thức, Italy đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus này ở gần 25.000 con lợn tại 50 trang trại và gần 2.500 con lợn rừng, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2024.

Dù đã phải mất số lợn không nhỏ, nhưng ông Cavagnini được cho là vẫn còn may mắn khi ông cũng sở hữu một số trang trại khác, làm giảm bớt tác động của đợt tiêu hủy. Tuy nhiên, “nhiều người chăn nuôi chỉ có một trang trại, vì vậy họ mất hết gia súc”, ông Cavagnini chia sẻ.

Chỉ tính riêng trong năm 2024, đã có từ 50.000 đến 60.000 con lợn bị tiêu hủy trên khắp đất nước Italy.

Sau chuyến thăm quốc gia Địa Trung Hải này hồi tháng 7, các chuyên gia EU đã chỉ trích cách Rome xử lý cuộc khủng hoảng. Trong một báo cáo, họ cho rằng “chiến lược kiểm soát dịch bệnh chung ở miền bắc Italy cần được cải thiện. Mỗi khu vực đang thực hiện các biện pháp riêng của mình, với sự phối hợp với các nước láng giềng chiở̉ mức tối thiểu”.

Theo đó, EU khuyến nghị áp dụng một chiến lược duy nhất cho toàn bộ miền bắc Italy và chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni đã bổ nhiệm một ủy viên đặc biệt để đặt ra các quy tắc. Ngoại trừ đưa đến các lò giết mổ, việc di chuyển lợn trong các khu vực bị nhiễm bệnh và vùng lân cận đều bị cấm, trong khi việc tiếp cận các trang trại bị hạn chế ở mức tối thiểu.

“Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng các rào cản để tạo ra các khu vực hạn chế việc di chuyển của lợn rừng”, Tiến sĩ Francesco Feliziani từ Trung tâm tham vấn quốc gia về bệnh dịch tả lợn (CEREP) nói với AFP.

Song song đó, kể từ tháng 1/2022 đến nay, nước láng giềng Pháp cũng đang ở trong tình trạng báo động cao tại các khu vực giáp ranh phía bắc Italy, đặc biệt là ở Hautes-Alpes, Alpes de Haute-Provence và Alpes-Maritimes.

Vào tháng 6 vừa qua, một nhóm kỹ thuật Italy-Pháp đã được thành lập để tăng cường “hợp tác xuyên biên giới nhằm quản lý hiệu quả hơn mối đe dọa lớn này”, Chính phủ Pháp cho biết.

Những người làm việc trong ngành công nghiệp thịt lợn của Italy - nơi tạo ra doanh thu hàng năm 20 tỷ euro (khoảng 22,341 tỷ USD) và sử dụng 100.000 lao động, đang “rất lo lắng”, ông Ettore Prandini, người đứng đầu hiệp hội nông nghiệp Coldiretti lớn nhất Italy, nói với AFP.

Các trang trại của Italy có khoảng 10 triệu con lợn và thiệt hại về thu nhập ước tính khoảng 25 triệu euro, chủ trang trại Cavagnini cho hay.

Được biết, những trang trại bị ảnh hưởng sẽ nhận được khoản đền bù từ nhà nước, trung bình khoảng 2 năm sau đó. Nhưng loại virus này cũng ảnh hưởng đến hàng trăm người chăn nuôi khác - những người phải chịu thiệt hại lên tới “hàng trăm triệu euro” mà không được bảo hiểm, ông Cavagnini nói thêm.

Ủy viên Giovanni Filippini hôm 19/9 cho biết chính phủ đã “áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus” và “không có bất kỳ đợt bùng phát dịch tả lợn mới nào trong những ngày gần đây”.

Tuy nhiên, người đứng đầu hiệp hội nông nghiệp Coldiretti cho rằng những người chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này nên nhận được hỗ trợ tài chính lớn hơn, chẳng hạn như hoãn trả nợ vay; đồng thời, ông cũng cảnh báo rằng loại virus này có thể bị hạn chế, nhưng sẽ không biến mất.

“Nếu chúng ta không thể xóa sổ hoàn toàn sự hiện diện của lợn rừng ở những khu vực này, thì rủi ro đặt ra là cuộc khủng hoảng sẽ qua đi, nhưng sau đó sẽ quay trở lại”, ông Prandini nêu rõ.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/italy-chat-vat-ung-pho-voi-dich-ta-lon-146274.html
Zalo