Israel trước áp lực trong ngoài gia tăng về cuộc chiến ở Gaza

Israel đang đứng trước áp lực trong ngoài liên quan các cuộc tấn công chết người ở Dải Gaza, trong bối cảnh đàm phán hòa bình giữa nước này với Hamas vẫn chưa có tiến triển đáng kể.

Israel đang chịu phản ứng dữ dội cả từ cộng đồng quốc tế lẫn trong nước trong bối cảnh chiến dịch quân sự của nước này ở Dải Gaza gây thương vong lớn, đặc biệt ở các địa điểm cấp phát viện trợ. Liệu áp lực trong ngoài gia tăng với Israel có giúp đẩy nhanh một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza?

Những cuộc tấn công gây tranh cãi

Hầu như mỗi ngày, dân thường Gaza trở thành nạn nhân của các cuộc giao tranh của Israel và Hamas. Ngày 15-7, một cuộc không kích của Israel đã đánh trúng Nhà thờ Công giáo Thánh Gia ở TP Gaza, trong lúc có hàng trăm người Palestine đang trú ẩn trong khuôn viên nhà thờ. Ba người thiệt mạng và sáu người bị thương, trong đó có linh mục chính xứ, tờ The New York Times dẫn thông tin từ nhà thờ.

Cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu bày tỏ “phản ứng không tích cực” về vụ tấn công, theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt. Trong một động thái hiếm hoi, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, vốn ủng hộ Israel, lên án các cuộc “tấn công nhằm vào dân thường”, gọi đó là hành vi “không thể chấp nhận được”.

Thủ tướng Netanyahu sau đó lên tiếng xin lỗi về vụ việc, rằng ông lấy làm tiếc vì "sinh mạng vô tội bị mất đi là một bi kịch” song khẳng định đây là hậu quả của "một viên đạn lạc" chứ không phải hành động cố ý.

 Miền trung Dải Gaza ngày 21-7 trong bối cảnh các cuộc không kích của Israel vẫn tiếp diễn. Ảnh: Eyad BABA / AFP

Miền trung Dải Gaza ngày 21-7 trong bối cảnh các cuộc không kích của Israel vẫn tiếp diễn. Ảnh: Eyad BABA / AFP

Trong vụ việc gần đây nhất, Cơ quan Y tế Gaza báo cáo về 67 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong ngày 20-7 do trúng không kích của Israel trong lúc đang tập trung chờ nhận viện trợ ở miền bắc Dải Gaza. Các cơ quan y tế ở Gaza thống kê tổng cộng 90 người thiệt mạng do hỏa lực và không kích của Israel tại nhiều khu vực trong ngày 20-7.

Bình luận về vụ việc người dân Gaza bị bắn tại các điểm cấp phát viện trợ, Lực lượng Phòng vệ Israel nói rằng binh sĩ nước này đã bắn những phát súng cảnh cáo về phía đám đông để loại bỏ “mối đe dọa tức thì” sau khi “phát hiện một đám đông hàng nghìn người tụ tập ở miền bắc Dải Gaza”.

Israel cho rằng kết quả đánh giá ban đầu cho thấy số thương vong được báo cáo đã bị phóng đại và khẳng định lực lượng nước này “chắc chắn không cố ý nhắm vào các xe tải viện trợ nhân đạo”.

Sang ngày 21-7, một nhóm gồm 28 nước, trong đó có Anh, Pháp, Nhật và Canada, cùng ra tuyên bố chung nhắm đến Israel. Tuyên bố chung ghi rõ việc hơn 800 thường dân thiệt mạng khi chờ nhận viện trợ là điều “kinh hoàng”, cáo buộc những cuộc tấn công của Israel đã “giết hại dân thường một cách vô nhân đạo”, kêu gọi Israel chấm dứt chiến dịch quân sự tại Gaza, theo hãng tin Reuters.

Ngày 21-7, Bộ Ngoại giao Israel cho rằng tuyên bố của 28 nước là “tách rời thực tế và gửi đi thông điệp sai lầm tới Hamas”, theo The Times of Israel. Đại sứ Mỹ tại Israel - ông Mike Huckabee cũng bác bỏ tuyên bố từ nhiều đồng minh thân cận nhất của Mỹ, gọi đó là “khó chấp nhận” và cho rằng các nước này nên tập trung gây sức ép lên Hamas thay vì Israel.

Bên cạnh chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, giới lãnh đạo Israel phải đương đầu với áp lực liên tục từ người dân trong nước về việc chấm dứt cuộc chiến với Hamas và giải cứu con tin.

Cuối tuần qua, hàng nghìn người Israel xuống đường biểu tình trên khắp đất nước yêu cầu phải có một thỏa thuận toàn diện để đưa tất cả các con tin trở về nhà, theo trang tin Ynet. Người biểu tình tập trung trước văn phòng Thủ tướng Netanyahu, trụ sở Đại sứ quán Mỹ, xung quanh trụ sở Lực lượng Phòng vệ Israel.

Trong lúc này chính phủ của ông Netanyahu cũng chịu sức ép lớn trên chính trường. Tuần trước, đảng Do Thái giáo Thống nhất (UTJ) trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu tuyên bố rút lui, khiến chính phủ chỉ còn giữ thế đa số rất mong manh trong quốc hội. Theo GS Brian Brivati tại ĐH Kingston (Anh), nếu muốn thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Netanyahu cần phải giải quyết cùng lúc ba nhiệm vụ: bảo đảm trả tự do cho các con tin, giải quyết Hamas và đem lại an ninh cho cả khu vực.

Đàm phán không nhiều tiến triển

Bất chấp áp lực ngày càng gia tăng với Israel, đàm phán hòa bình giữa Israel-Hamas những ngày qua không đạt tiến triển đáng kể.

 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Avshalom Sassoni/FLASH90

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Avshalom Sassoni/FLASH90

Tuần trước, Israel công khai các bản đồ cập nhật thể hiện đề xuất tái triển khai lực lượng trong thời gian ngừng bắn 60 ngày mà các bên đang thảo luận. Theo các nhà ngoại giao Ả Rập, bản đồ mới khiến các nước trung gian cảm thấy lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận, vì Israel dường như đã lùi bước so với các yêu cầu trước đó về việc duy trì kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn hơn tại Gaza.

Đến ngày 21-7, báo Yediot Ahronot dẫn nguồn tin rằng Hamas đang cân nhắc đề xuất của Israel và có “những tín hiệu khả quan cho thấy thỏa thuận có thể đạt được trong vòng hai tuần”. Tuy nhiên, báo này lưu ý rằng Hamas vẫn còn do dự về số lượng người Palestine sẽ được phóng thích để đổi lấy mỗi con tin Israel.

Trong ngày 21-7, Bộ Ngoại giao Israel cáo buộc Hamas cố tình kéo dài cuộc chiến khi từ chối chấp thuận đề xuất ngừng bắn tạm thời và thỏa thuận trao trả con tin do Israel hậu thuẫn.

Theo giới quan sát, Israel đang rơi vào một vòng luẩn quẩn, khi áp lực gia tăng và đàm phán không tiến triển, Israel phải gia tăng tấn công tại Gaza. Nhưng nếu Israel tăng cường tấn công thì sức ép trong ngoài lại càng lớn, đồng thời công việc trên bàn đàm phán càng khó khăn hơn.

Phần lớn dân Israel ủng hộ sớm thỏa thuận với Hamas

Trong một cuộc thăm dò do Kênh 12 của Israel công bố ngày 10-7, 74% người Israel được hỏi, bao gồm 60% cử tri từng bỏ phiếu cho liên minh của Thủ tướng Netanyahu, ủng hộ một thỏa thuận với Hamas nhằm trả tự do cho toàn bộ con tin cùng lúc, đổi lấy việc chấm dứt cuộc chiến tại Gaza.

Chỉ 8% số người được hỏi ủng hộ phương án mà Thủ tướng Netanyahu đang thúc đẩy, trong đó cho rằng một nửa số con tin được thả trước, đồng thời mở đường cho đàm phán ngừng bắn vĩnh viễn và thả nốt các con tin còn lại.

Ngày 21-7, xe tăng Israel lần đầu tiên tiến vào các quận phía nam và phía đông của TP Deir al-Balah - khu vực được cho là nơi duy nhất ở Gaza chưa bị tấn công. Lực lượng Israel tin rằng có thể các con tin Israel còn lại đang bị Hamas giam giữ ở đây.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/israel-truoc-ap-luc-trong-ngoai-gia-tang-ve-cuoc-chien-o-gaza-post861645.html
Zalo