Israel lộ lỗ hổng an ninh khi không chặn được tên lửa Houthi lao vào sân bay
Không thể đánh chặn tên lửa bắn từ Yemen nên Israel phải tạm thời đóng cửa sân bay quốc tế Ben Gurion vào ngày 4/5. Vụ việc này đã phơi bày những lỗ hổng an ninh của Israel và cho thấy Houthi vẫn có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa bất chấp chiến dịch quân sự kéo dài của Mỹ.
Thất bại trước tên lửa Houthi

Khói bốc lên sau vụ tấn công bằng tên lửa của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào khu vực sân bay quốc tế Ben Gurion tại Tel Aviv, Israel ngày 4/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 4/5, các chuyến bay tại sân bay Ben Gurion gần Tel Aviv bị tạm ngừng hoạt động trong khoảng 30 phút sau khi một tên lửa rơi gần khu vực sân bay. Các chuyến bay đến và đi từ sân bay Ben Gurion cũng bị tạm dừng. Cảnh sát yêu cầu người dân không đến khu vực này.
Quân đội Israel đã có nhiều nỗ lực đánh chặn tên lửa nhưng không thành công. Cụ thể, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã kích hoạt hệ thống đánh chặn tầm xa Arrow nhằm vào tên lửa đang bay tới. Mỹ cũng đã triển khai hệ thống chống tên lửa tiên tiến THAAD tại Israel.
IDF tuyên bố họ đang đánh giá kết quả của hoạt động đánh chặn. Một cuộc điều tra ban đầu của IDF không phát hiện lỗi trong hệ thống hay quy trình, nhưng cho biết có sự cố kỹ thuật xảy ra với hệ thống đánh chặn được phóng về phía tên lửa Houthi.
Hình ảnh hiện trường cho thấy các mảnh vỡ từ vụ va chạm của tên lửa vương vãi trên đường dẫn vào nhà ga chính của sân bay. Một video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy vụ nổ tên lửa tại sân bay và một đám khói đen bốc lên (xem video dưới, nguồn: Al Jazeera).
Người phát ngôn của Lufthansa Group thông báo các hãng Lufthansa, Swiss, Austrian Airlines, Brussels Airlines và Eurowings đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv cho đến sau ngày 6/5.
Lực lượng Houthi tại Yemen nhận thực hiện vụ tấn công trên, nói rằng hành động này là để phản đối hành động của Israel với người dân Gaza.
Sau đó, Houthi cảnh báo sẽ tiếp tục tấn công và áp đặt phong tỏa hàng không toàn diện đối với Israel bằng cách liên tục tấn công các sân bay, đặc biệt là sân bay Ben Gurion. Houthi kêu gọi các hãng hàng không quốc tế điều chỉnh kế hoạch và hủy tất cả các chuyến bay đến sân bay Israel.
Vụ tấn công dường như là lần đầu tiên sân bay quốc tế của Israel bị nhóm này đánh trúng.
Người phát ngôn Yahya Saree của lực lượng Houthi tuyên bố: “Hệ thống phòng thủ của Mỹ và Israel đã thất bại trong đánh chặn tên lửa nhắm vào sân bay Ben Gurion”. Ông Saree nói thêm rằng sân bay Ben Gurion bị tấn công bằng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm.
Đáp lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công lực lượng Houthi. Ông nói trong một video đăng trên mạng xã hội: “Chúng tôi đã hành động trước đây và sẽ tiếp tục hành động trong tương lai. Tôi không thể nói hết được. Mỹ, phối hợp với chúng tôi, cũng đang hành động chống Houthi. Đây không phải là ‘một lần rồi thôi’ – mà sẽ còn nhiều đòn tấn công nữa”.
Trong một bài đăng trên X sau đó, ông Netanyahu cũng tuyên bố sẽ trả đũa Iran: “Israel sẽ đáp trả cuộc tấn công của Houthi vào sân bay chính của chúng tôi vào thời điểm và địa điểm chúng tôi lựa chọn, sẽ đáp trả cả những người Iran đứng sau”.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, cảnh báo rằng đòn đáp trả sẽ “gấp bảy lần”.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, ông Aziz Nasirzadeh, tuyên bố Iran sẽ đáp trả cuộc tấn công nào nhằm vào nước này. Hãng tin nhà nước Mehr dẫn lời ông Nasirzadeh: “Nếu chúng tôi bị tấn công hoặc bị gây chiến, chúng tôi sẽ đáp trả bằng sức mạnh”.
Ông Nasirzadeh tuyên bố thêm: “Chúng tôi sẽ tấn công lợi ích và căn cứ của họ, chúng tôi sẽ không ngần ngại và sẽ không có giới hạn trong vấn đề này. Chúng tôi không phải là kẻ thù của các nước láng giềng. Họ là anh em của chúng tôi nhưng các căn cứ của Mỹ trên đất của họ sẽ là mục tiêu”.
Lỗ hổng an ninh

Cảnh sát Israel làm nhiệm vụ gần sân bay quốc tế Ben Gurion tại Tel Aviv sau vụ phóng tên lửa của lực lượng Houthi ở Yemen, ngày 4/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo CNN, sự cố này đánh dấu một lỗ hổng an ninh nghiêm trọng tại một trong những địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Israel, có thể làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đánh chặn các cuộc tấn công của hệ thống phòng thủ tên lửa vốn được ca ngợi của nước này.
Ông Amir Bar Shalom, nhà phân tích quân sự của Đài Phát thanh Quân đội Israel, bình luận rằng tên lửa Houthi cho thấy độ chính xác cao và khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của Israel. Ông nói: “Tên lửa rất chính xác và để có thể chính xác đến vậy khi phóng từ cách xa 2.000 km, điều đó thật ấn tượng. Chúng ta phải coi mối đe dọa này là nghiêm túc. Chúng ta cần kiểm tra xem đây có phải là lỗi của chúng ta hay là một loại mối đe dọa mới”.
Ông Bar Shalom cho rằng Iran đang phát triển các loại tên lửa tầm xa có khả năng cơ động để né tránh hệ thống phòng thủ, mặc dù chưa rõ công nghệ này đã được chuyển giao cho Houthi hay chưa. Ông nói thêm rằng quân đội Israel sẽ phân tích tất cả các khía cạnh của vụ đánh chặn thất bại, bao gồm thời điểm cảm biến phát hiện tên lửa, hệ thống nào xác định được mục tiêu, các hệ thống đánh chặn đã tiếp cận tên lửa đến mức nào. Ông nói: “Rất nhiều tham số có thể ảnh hưởng đến kết quả cần phải được phân tích”.
Theo IDF, vụ tấn công ngày 4/5 là ngày thứ ba liên tiếp có tên lửa phóng từ Yemen về phía Israel.
Houthi tuyên bố các tên lửa siêu vượt âm của mình có công nghệ tàng hình, tầm bắn 2.150 km, khả năng cơ động cao và đạt vận tốc tới Mach 16.
Từ khi chiến sự giữa Israel và Hamas ở Gaza bắt đầu vào tháng 10/2023, Israel liên tục bị tên lửa và rocket bắn tới từ lực lượng Hezbollah ở Liban và Houthi ở Yemen. Phần lớn trong số đó đã bị hệ thống phòng không Israel đánh chặn.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2024, một tên lửa Houthi đã đánh trúng Tel Aviv sau khi Israel đánh chặn thất bại, khiến hơn chục người bị thương. Houthi tuyên bố đã bắn một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm có tên Palestine 2 vào mục tiêu quân sự Israel ở khu vực Jaffa. Còn vào tháng 7/2024, nhóm này nhận thực hiện một vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái ở Tel Aviv.
Israel đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào Houthi ở Yemen, bao gồm các cuộc không kích vào nhà máy điện và cảng biển vào tháng 1. Trong thực tế, quân đội Mỹ mới là lực lượng tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn hơn nhiều trong vài tuần qua nhằm vào các mục tiêu ở Yemen để làm suy yếu Houthi – lực lượng đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại toàn cầu bằng các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ.
Chiến dịch cũng nhằm ngăn chặn các vụ phóng tên lửa phóng vào Israel cũng như các tàu thương mại và tàu hải quân Mỹ hoạt động tại Trung Đông. Vào đầu tháng trước, chi phí cho chiến dịch của Mỹ đã lên tới gần 1 tỷ USD chỉ trong ba tuần, bao gồm cả hoạt động triển khai máy bay ném bom tàng hình B-2 và sử dụng đạn dược công nghệ cao trị giá hàng trăm triệu USD.
Dù vậy, chiến dịch này phần lớn đã không thể làm gián đoạn khả năng phóng tên lửa đạn đạo của Houthi nhằm vào Israel. Hệ thống phòng thủ tên lửa vốn được ca ngợi của Israel thường xuyên đánh chặn được các đợt tấn công, nhưng một số tên lửa vẫn lọt qua.