Israel bảo vệ nhân viên ngoại giao ở nước ngoài như thế nào sau vụ xả súng ở Mỹ
Theo tờ Financial Times, kể từ khi nhà nước Israel được thành lập, các nhân viên của nước này tại các đại sứ quán và tổ chức trên khắp thế giới đều các định bản thân có khả năng sẽ trở thành mục tiêu tấn công.

Hiện trường vụ nổ súng bên ngoài bảo tàng Do Thái ở Washington D.C., Mỹ, ngày 22/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy vậy, vụ sát hại hai nhân viên trẻ của Đại sứ quán Israel ở ngay thủ đô giữa Washington DC của Mỹ cũng đã gây ra chấn động mạnh và làm dấy lên lo ngại về cách thức mà Tel Aviv tìm cách bảo vệ các phái bộ của mình ở nước ngoài – đặc biệt là vào thời điểm cuộc chiến với Hamas ở Gaza đã ít nhiều gây ra phản ứng trái chiều.
“Điều này sẽ làm lung lay và phá vỡ cảm giác an toàn ở Washington DC. Nếu điều này có thể xảy ra ở đó, thì cũng có thể xảy ra ở bất cứ đâu”, một cựu nhà ngoại giao cấp cao của Israel, người đã từng công tác ở nhiều nơi bao gồm cả thủ đô của Mỹ, cho biết. Ông này nói: “Đây là kịch bản ác mộng, xảy ra ở địa điểm nhạy cảm nhất”.
Ngay sau vụ tấn công ngày 22/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ đạo tăng cường an ninh tại các cơ quan ngoại giao của Israel trên toàn. Trong vụ việc, hai nhân viên Sarah Milgrim và Yaron Lischinsky làm việc tại Đại sứ quán Israel ở Mỹ đã bị bắn chết sau khi rời buổi tiệc chiêu đãi các nhà ngoại giao trẻ. Vụ xả súng do một người đàn ông thực hiện. Hắn đã hét lên khẩu hiệu ủng hộ Palestine khi thực hiện hành động phạm tội của mình.
Các quan chức Israel từ chối bình luận về những thay đổi cần phải triển khai các giải pháp cụ thể sau vụ xả súng tại Mỹ khi viện dẫn những lý do về mặt an ninh. Nhưng các cựu nhân viên ngoại giao nước này cho biết vụ xả súng trên có thể khiến Israel phải đánh giá lại mọi thứ, từ số lượng nhân viên an ninh xung quanh các đại sứ quán đến các sự kiện mà nhân viên ngoại giao có thể tham dự.
Những người này cũng cho rằng cần tăng cường phạm vi áp dụng các biện pháp bảo vệ bổ sung – nhất là trong trường hợp bị tấn công ở các mục tiêu cách xa đại sứ quán, như trường hợp tại Washington DC vừa qua.
“Tăng cường an ninh thường được xem là có thêm cảnh sát địa phương ở phía trước đại sứ quán, để đảm bảo an ninh vòng ngoài. Nhưng điều này chỉ tính đến hoạt động ra vào đại sứ quán hoặc phái bộ, và khu vực ngay bên ngoài”, cựu nhà ngoại giao cấp cao cho biết.
Ông nói: “Bạn không thể bảo vệ mọi người ở mọi lúc. Nhưng chắc chắn vụ xả súng sẽ thay đổi đáng kể hồ sơ an ninh của đại sứ quán tại Washington DC. Chúng ta cần tính toán lại mọi thứ. Điều này sẽ thay đổi nhận thức của các nhà ngoại giao cấp thấp và thậm chí cả những người không phải nhà ngoại giao như cặp đôi bị sát hại – khi họ cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công”.
Trong nửa thế kỷ qua, nhiều sứ quán của Israel đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất, mà Israel đã đổ lỗi cho Hezbollah thực hiện, xảy ra vào năm 1992. Khi đó, một đối tượng đánh bom liều chết đã lái xe tải đâm vào Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires, giết chết 29 người, bao gồm 3 nhân viên đại sứ quán Israel và một số nhân viên địa phương.

Năm 1992, một đối tượng đánh bom liều chết đã lái xe tải đâm vào Đại sứ quán Israel ở Buenos Aires, giết chết 29 người. Ảnh: Getty Images.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc tấn công cũng đã xảy ra tại các nước khác, bao gồm vụ ám sát bất thành Đại sứ Israel tại Anh năm 1982. Ngoài ra, một loạt các vụ tấn công cũng đã diễn ra ở New Delhi, trong đó vào năm 2012, vợ của một nhà ngoại giao Israel đã bị thương mà nguyên nhân là do một quả bom được cài vào bên ngoài xe của người phụ nữ này.
Đầu năm nay, Anh và Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với mạng lưới tội phạm Foxtrot có trụ sở tại Thụy Điển. Thủ lĩnh của mạng lưới này là Rawa Majid - người bị cáo buộc có liên quan đến hoạt động bạo lực chống các mục tiêu Do Thái và Israel tại châu Âu.
Các cựu đại sứ Israel cho biết các nhân viên nước này thường được đào tạo, huấn luyện kỹ càng trước khi được cử ra nước ngoài để chuẩn bị đối diện với những rủi ro như vậy.
"Bạn cần phải luôn cảnh giác, nhìn xung quanh, nhìn dưới gầm xe. Họ cũng tiến hành các cuộc diễn tập an ninh khi đang tại nhiệm", cựu nhà ngoại giao cấp cao cho biết. Ông cho biết: “Bạn được dạy là không bao giờ đặt chỗ trước và chắc chắn không phải dưới tên của chính mình. Nếu bạn muốn mua thứ gì đó, bạn sẽ không bao giờ mua thường xuyên hoặc trực tuyến - bạn chỉ cần ra ngoài và mua ngay tại chỗ”.
Cựu nhà ngoại giao này cho biết thêm: “Tôi chưa bao giờ gọi taxi đến đại sứ quán. Tôi sẽ gọi xe đến đón tôi cách đó nửa dãy nhà, ngay trước Đại sứ quán Hungary”.
Theo một nguồn thạo tin, trong một số trường hợp, đại diện chính thức của Israel ở nước ngoài còn có thể được cấp quyền đặc biệt để mang theo vũ khí cá nhân.
Các biện pháp phòng ngừa đã được tăng cường kể từ khi cuộc chiến ở Dải Gaza nổ ra giữa Israel và Hamas. Sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023 và nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc xung đột kéo dài đến hiện nay, Israel đã rút các nhà ngoại giao khỏi đại sứ quán ở một số nước Trung Đông vì lo ngại về vấn đề an ninh. Tuy nhiên, tại các phái bộ khác như tại Abu Dhabi và Bahrain, nhân viên nước này vẫn tiếp tục làm việc.
Các phái bộ của Israel được đảm bảo an ninh trên cơ sở hợp tác với các cơ quan an ninh sở tại. Tại các quốc gia như Ấn Độ - quốc gia có quan hệ ngoại giao và thương mại lớn với Iran, các nhà ngoại giao Israel hầu như phụ thuộc vào sự đảm bảo từ chính phủ New Delhi rằng các cơ quan tình báo bên thứ ba đã được cảnh báo không hành động trên đất Ấn Độ.
Một nguồn tin nói rằng một khi ra khỏi khu vực mà Israel chịu trách nhiệm bảo vệ, phần còn lại phụ thuộc vào lòng tin và thỏa thuận chính trị với nước sở tại. “Đối với một phái bộ lớn như New Delhi hay Washington, không thể bố trí hai vệ sĩ có vũ trang cho mỗi nhân viên của đại sứ quán khi họ đi đến trung tâm mua sắm hoặc đón con từ trường về”.
Tại các quốc gia khác, Đại sứ quán Israel đã gián tiếp tham gia vào các hoạt động đảm bảo an ninh cho các địa điểm Do Thái cùng với chính quyền sở tại. Giáo đường Do Thái Neve Shalom ở Istanbul đã bị tấn công ít nhất 3 lần kể từ những năm 1980 và các đội an ninh Israel đã tư vấn cho cảnh sát địa phương về các quy trình an ninh, đặc biệt là sau vụ tấn công năm 2003 do al-Qaeda nhận trách nhiệm.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Israel cho biết ngay cả khi áp dụng mức độ an ninh cao nhất, các cuộc tấn công như tại Washington DC - được thực hiện bởi một người mà giới chức cho biết hành động đơn độc và chưa từng có tiền án - vẫn rất khó ngăn chặn.