Iran nói đến 'rút lui chiến thuật', Mỹ cảnh giác cao độ và yêu cầu chứng minh bằng hành động
Iran bắt đầu có dấu hiệu thể hiện sự thiện chí trong đàm phán với Mỹ, tuy nhiên, trong bối cảnh rối ren hiện tại, Washington cho rằng đó là một hành trình rất xa, trừ khi Tehran có những hành động chứng minh cụ thể.
Cơ hội mong manh
Ngày 27/8, Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei đã tuyên bố để ngỏ cánh cửa nối lại đàm phán với Mỹ xung quanh chương trình hạt nhân đang phát triển nhanh chóng của nước này, đồng thời khẳng định rằng việc hợp tác với "kẻ thù" là “điều không gây hại”.
Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Khamenei cho rằng không có rào cản trong việc nối lại hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, ông lưu ý: "Chúng ta không cần đặt hy vọng vào đối phương hay chờ đợi sự chấp thuận của họ".
Phát biểu này được xem là dấu hiệu cho phép chính phủ của Tổng thống Masoud Pezeshkian xóa bỏ các "lằn ranh đỏ", tiến hành đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân Iran. Ông Khamenei là người có tiếng nói quyết định trong các vấn đề chiến lược của Iran.
Những lập trường của Đại giáo chủ Ali Khamenei lần này cũng gợi lại lập trường của Iran vào thời điểm nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới, trong đó chương trình hạt nhân của Tehran đã bị cắt giảm đáng kể để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Dù vậy, vẫn chưa rõ Tổng thống Pezeshkian sẽ có bao nhiêu cơ hội để thúc đẩy đàm phán với Washington, đặc biệt là khi Trung Đông vẫn rối ren với cuộc xung đột Israel-Hamas và Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận vào năm 2018, vị lãnh tụ tối cao 85 tuổi của Iran đôi khi thúc giục song đôi khi lại bác bỏ các cuộc đàm phán với Washington.
Đã có các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ trong những năm gần đây với sự trung gian của Oman và Qatar, hai trong số bên đối thoại của Mỹ tại Trung Đông liên quan vấn đề Iran. Những phát biểu vừa qua của ông Khamenei được đưa ra một ngày sau khi thủ tướng Qatar đến thăm quốc gia này.
Về phía Washington, sau khi phía Iran có động thái mới, Bộ Ngoại giao Mỹ chia sẻ với AP rằng: "Chúng tôi sẽ đánh giá giới lãnh đạo Iran bằng hành động của họ, không phải lời nói của họ. Chúng tôi từ lâu đã nói rằng chúng tôi coi ngoại giao là cách tốt nhất để đạt được giải pháp hiệu quả và bền vững liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta còn rất xa mới đạt được điều đó khi xét đến các hành động leo thang của Iran trên mọi phương diện, bao gồm cả hành động leo thang hạt nhân và việc nước này không hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc. Nếu Iran muốn chứng minh sự nghiêm túc hoặc một cách tiếp cận mới, họ nên dừng các hành động leo thang hạt nhân và bắt đầu hợp tác có ý nghĩa với IAEA”.
Theo Mỹ đánh giá, kể từ khi thỏa thuận sụp đổ, Iran đã từ bỏ mọi giới hạn mà thỏa thuận đặt ra cho chương trình của nước này và làm giàu urani lên tới 60% độ tinh khiết - gần mức 90% để chế tạo vũ khí.
Các camera giám sát do IAEA lắp đặt đã bị phá hủy, trong khi Iran đã cấm một số thanh tra viên giàu kinh nghiệm nhất của cơ quan này. Các quan chức Iran ngày càng đưa ra nhiều lời đe dọa rằng họ có thể theo đuổi vũ khí nguyên tử.
Ít nhượng bộ, thiếu niềm tin
Trong khi đó, căng thẳng giữa Iran và Israel đã lên đến đỉnh điểm xung quanh cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza.
Tehran đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa chưa từng có vào Israel vào tháng 4 vừa qua. Vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran cũng khiến Iran đe dọa trả đũa Israel.
Tổng thống Pezeshkian đã vận động tranh cử thắng lợi một phần dựa trên cam kết sẽ tái hợp tác với phương Tây thông qua các cuộc đàm phán.
Những phát biểu của ông Khamenei với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao của Iran có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông thực hiện điều đó. Bộ trưởng Ngoại giao mới của Iran, ông Abbas Araghchi cũng đã tham gia sâu vào các cuộc đàm phán về thỏa thuận năm 2015.
Trong phát biểu của mình, ông Khameini có nhắc đến cụm từ "rút lui chiến thuật": "Sau khi đã làm mọi thứ có thể, đôi khi cần phải rút lui chiến thuật, nhưng chúng ta không nên từ bỏ mục tiêu hoặc quan điểm của mình ngay khi có dấu hiệu khó khăn đầu tiên".
Trước mắt, đã có thể nhận thấy những khó khăn đến cả từ hai phía. Trong khi Iran vừa có Tổng thống mới, Mỹ cũng sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 5/11. Iran lo ngại ông Donald Trump quay trở lại nắm quyền.
Mỹ đã tham gia vào các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran dưới thời Tổng thống Joe Biden và vẫn chưa rõ điều đó sẽ được chuyển giao như thế nào nếu Phó Tổng thống Harris đắc cử.
Bà Harris, trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tuần trước đã nói: "Tôi sẽ không bao giờ ngần ngại thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết để bảo vệ lực lượng và lợi ích của chúng ta trước Iran".
RANE Network, một công ty tình báo rủi ro phán đoán nếu bà Harris thắng cử, khả năng đạt được thỏa thuận về Iran sẽ tăng lên khi cuộc xung đột Israel-Hamas kết thúc.
Theo RANE, sau khi các cuộc đàm phán bắt đầu, Iran có thể sẽ yêu cầu nhiều biện pháp bảo vệ hơn liên quan đến khả năng Mỹ rút khỏi một thỏa thuận mới bởi vì Mỹ từng rút khỏi thỏa thuận trước đó vào năm 2018.
Do lo ngại về tính bền vững của bất kỳ thỏa thuận mới nào, Iran cũng ít có khả năng đưa ra nhiều nhượng bộ về hạt nhân, chẳng hạn như tháo dỡ các máy ly tâm tiên tiến hơn, vì Iran muốn có thể khởi động chương trình hạt nhân của mình nhanh nhất có thể trong trường hợp Mỹ rút khỏi thỏa thuận mới.