Iran lên tiếng trước cảnh báo 'lằn ranh đỏ' về hạt nhân của Mỹ
Iran khẳng định quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình là 'không thể thương lượng', trong khi Mỹ lo ngại nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ngày 18/5, bất chấp cảnh báo cứng rắn từ Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff đối với chương trình hạt nhân của Iran, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ hoạt động làm giàu uranium.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ảnh: IRNA
Phát biểu trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định: “Lập trường của chúng tôi về quyền của Iran với tư cách là một thành viên của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) là hoàn toàn rõ ràng, và không có kịch bản nào mà người dân Iran chấp nhận việc từ bỏ điều đó. Việc làm chủ công nghệ làm giàu uranium là thành tựu khoa học tự lực và khó khăn, và cũng là kết quả của những hy sinh lớn lao cả về máu và tài sản”.
Đồng thời, Ngoại trưởng Araghchi nhấn mạnh rằng việc duy trì khả năng làm giàu uranium là quyền chủ quyền và là "giới hạn đỏ" của Tehran. “Hoạt động làm giàu tại Iran sẽ tiếp tục, dù có hay không có thỏa thuận hạt nhân với Mỹ” - ông khẳng định.
Mặc dù giữ lập trường cứng rắn về quyền làm giàu uranium, Iran vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. “Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến việc đảm bảo rằng Iran không có vũ khí hạt nhân, điều này hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi sẵn sàng tham gia một cuộc đối thoại nghiêm túc để đạt được giải pháp đảm bảo điều đó vĩnh viễn” - Ngoại trưởng Araghchi nói thêm.
Bộ Ngoại giao Iran trước đó tái khẳng định sẵn sàng đàm phán về giới hạn khối lượng và mức độ làm giàu uranium nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Tuy nhiên, Tehran nhấn mạnh sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình - quyền được bảo đảm theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), mà Iran là một trong những quốc gia ký kết đầu tiên.
Trước đó, cùng ngày, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff khẳng định Washington không thể chấp nhận việc Tehran duy trì chương trình làm giàu uranium.
Trong bài phát biểu trên kênh ABC News, ông Witkoff cho biết Washington có “ranh giới rất rõ ràng” đối với vấn đề hạt nhân Iran. Ông nêu rõ: “Chúng tôi không thể cho phép ngay cả một phần trăm khả năng làm giàu, vì điều đó mở đường cho việc vũ khí hóa”.
Dù duy trì lập trường cứng rắn, ông Witkoff nói rằng Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán và bày tỏ tin tưởng vào khả năng đạt được một thỏa thuận khả thi với Tehran.
Các tuyên bố trên được quan chức Mỹ và Iran đưa ra trong bối cảnh hai nước đã tiến hành 4 vòng đàm phán không chính thức do Oman làm trung gian, nhằm tháo gỡ bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran. Các cuộc tiếp xúc diễn ra tại Muscat và Rome từ ngày 12/4 đến ngày 11/5, với sự tham gia của phái đoàn Iran do Ngoại trưởng Abbas Araghchi dẫn đầu và phái đoàn Mỹ do ông Witkoff làm trưởng đoàn.
JCPOA và bế tắc kéo dài
Năm 2015, Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng Đức) đã ký Thỏa thuận hạt nhân Iran, được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), với mục tiêu kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran và dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tuy nhiên, năm 2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt toàn bộ các biện pháp trừng phạt. Đáp lại, Iran dần thu hẹp việc tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận và hạn chế quyền tiếp cận của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng đầu năm 2025, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tiếp tục chính sách “gây sức ép tối đa” với Iran, đồng thời cảnh báo không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự nếu Tehran từ chối một thỏa thuận mới với Washington.
Việc Iran kiên quyết không từ bỏ hoạt động làm giàu uranium, kết hợp với lập trường cứng rắn của Mỹ về ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, khiến cho triển vọng đạt được thỏa thuận rõ ràng vẫn còn xa vời. Giới chuyên gia cho rằng, những bất đồng cốt lõi xoay quanh mức độ tin cậy, khả năng kiểm soát và giám sát quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran sẽ tiếp tục là rào cản lớn trong các vòng đàm phán tiếp theo.