Iran dỡ bỏ lệnh cấm WhatsApp và Google Play, bước đầu nới lỏng hạn chế internet
Theo truyền thông nhà nước Iran, chính quyền Iran đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với nền tảng nhắn tin WhatsApp và cửa hàng ứng dụng Google Play, đánh dấu bước đầu tiên trong nỗ lực nới lỏng các hạn chế internet lâu nay của quốc gia này.
Thông tin được đưa ra bởi hãng thông tấn nhà nước IRNA, sau cuộc họp do Tổng thống Masoud Pezeshkian chủ trì.
Theo IRNA, chính quyền Iran đã đạt được sự đồng thuận đa số trong việc dỡ bỏ hạn chế đối với một số nền tảng công nghệ số và ứng dụng internet phổ biến. Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và Truyền thông Iran, ông Sattar Hashemi cho biết đây là bước khởi đầu trong quá trình xóa bỏ các hạn chế về internet. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể để quyết định này có hiệu lực vẫn chưa được công bố.
Xem video người dân tại Iran đã bắt đầu truy cập và sử dụng một số nền tảng nhắn tin WhatsApp và cửa hàng ứng dụng Google Play. Nguồn: Reuters.
Các nền tảng như WhatsApp và Google Play từ lâu đã bị cấm tại Iran cùng với các mạng xã hội lớn khác như Facebook, X (trước đây là Twitter) và YouTube. Người dân Iran thường sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để vượt qua các hạn chế này, nhưng lệnh cấm tiếp tục là chủ đề tranh luận trong nước.
Cố vấn Tổng thống Ali Rabiei đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, cho rằng những hạn chế này không đạt được hiệu quả mong muốn và chỉ làm gia tăng sự bất mãn trong xã hội. Tuy nhiên, một số thành viên quốc hội bày tỏ lo ngại rằng việc dỡ bỏ các hạn chế có thể tạo cơ hội cho các thế lực bên ngoài lợi dụng để gây bất ổn cho Iran.
Trong lá thư gửi hội đồng cấp cao bảo vệ Internet, 136 trong số 290 thành viên quốc hội kêu gọi duy trì các biện pháp kiểm soát đối với các nền tảng trực tuyến, đồng thời yêu cầu các ứng dụng phải cam kết tuân thủ các giá trị của xã hội Hồi giáo và luật pháp Iran nếu muốn tiếp tục hoạt động.
Lệnh cấm các nền tảng như WhatsApp và Instagram từng được siết chặt hơn sau các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào tháng 9 /2022 - liên quan đến cái chết của Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ bị bắt vì cáo buộc vi phạm quy định về trang phục dành cho phụ nữ. Các cuộc biểu tình đã kéo dài trong nhiều tháng, dẫn đến hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt giữ.
Việc nới lỏng các hạn chế internet lần này cho thấy chính quyền của Tổng thống Pezeshkian đang từng bước hiện thực hóa cam kết cải thiện quyền tiếp cận thông tin cho người dân, một trong những trọng tâm được ông đề ra kể từ khi nhậm chức vào tháng 7. Tuy nhiên, động thái này cũng mở ra nhiều thách thức đối với Iran trong tương lai, khi quốc gia này cần tìm ra cách dung hòa giữa mục tiêu hiện đại hóa và tự do thông tin với việc duy trì các giá trị văn hóa, xã hội truyền thống làm nền tảng cốt lõi. Đây không chỉ là một quyết sách mang tính đổi mới mà còn là phép thử lớn đối với khả năng tạo sự đồng thuận và đoàn kết trong nội bộ đất nước, giữa những quan điểm trái chiều về định hướng phát triển của Iran.