Iran đặt điều kiện nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày 14/1 tuyên bố rằng có những quy trình ra quyết định rõ ràng liên quan đến các vấn đề quan trọng của đất nước, bao gồm cả các cuộc đàm phán dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ảnh: IRNA/TTXVN

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Ảnh: IRNA/TTXVN

Ông cũng khẳng định Iran sẽ không đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân cho đến khi Mỹ quay trở lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) hoặc ít nhất là công bố chính sách của mình về vấn đề này.

Ông tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không đàm phán với chính phủ Mỹ về vấn đề hạt nhân cho đến khi họ quay trở lại JCPOA hoặc trong bất kỳ trường hợp nào công bố chính sách của riêng họ về vấn đề này, nhưng chúng tôi sẽ có các cuộc đàm phán của riêng mình với các nước châu Âu, với Trung Quốc và Nga".

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với đài truyền hình quốc gia Iran (IRIB) vào tối 14/1 theo giờ địa phương, Ngoại trưởng Araghchi cho biết mọi lời nói đều được lắng nghe và cuối cùng quyết định được đưa ra ở nơi cần thiết, và Bộ Ngoại giao (Iran) đương nhiên sẽ thực hiện những gì là quyết định của hệ thống.

Trong cuộc phỏng vấn, ông cũng cho biết ngày 13 và 14/1, Iran đã có một vòng đàm phán với ba nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức, và một vòng đàm phán với ông Enrique Mora, điều phối viên của Liên minh châu Âu (EU) về thỏa thuận hạt nhân và các chuyên gia từ tổ chức này. Mục đích chính của vòng đàm phán này là tìm cách khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân.

Ông Araghchi chỉ ra rằng Iran chưa bao giờ rời khỏi bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân, và cũng chưa bao giờ nói rằng không phải là nhà đàm phán, bởi vì “chúng tôi chắc chắn về bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân của mình, và chúng tôi chưa bao giờ gặp vấn đề cơ bản nào trong việc cung cấp sự đảm bảo này cho người khác".

JCPOA được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng với Đức.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khi trên cương vị Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên, đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, trong khi Tổng thống Mỹ hiện tại, ông Joe Biden, đã báo hiệu rằng ông sẵn sàng khôi phục thỏa thuận.

Nga, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ và Pháp đã đàm phán với Iran kể từ tháng 4/2021 để khôi phục thỏa thuận.

Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn JCPOA đã bắt đầu tại thủ đô Vienna của Áo vào tháng 4/2021, với ý định xem xét mức độ nghiêm túc của Washington trong việc tái gia nhập thỏa thuận và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran.

Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ tháng 8 do Washington khăng khăng giữ lập trường cứng rắn là không dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt đã được áp đặt lên Iran bởi chính quyền Mỹ trước đó. Iran cho rằng cần thiết phải có một số đảm bảo từ phía bên kia rằng họ sẽ cam kết với bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.

Trước đó, trong một diễn biến bất ngờ, Iran và ba cường quốc châu Âu (E3) gồm Anh, Pháp và Đức bắt đầu tiến hành các cuộc tham vấn tại Geneva từ ngày 13 - 14/1/2024, chỉ một tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh chương trình hạt nhân của Iran.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Đức và Iran đều nhấn mạnh đây chỉ là "tham vấn", không phải đàm phán chính thức, nhưng cuộc gặp này có ý nghĩa quan trọng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baqaei cho biết mục tiêu chính là thảo luận về việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt, đồng thời Iran cũng sẵn sàng lắng nghe các vấn đề mà phía đối tác muốn nêu ra.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo IRN/MNA)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/iran-dat-dieu-kien-noi-lai-dam-phan-hat-nhan-voi-my-20250115161100467.htm
Zalo