Intel đầu tư 33 tỷ USD cho dự án xây dựng nhà máy chip tại Đức
Ngày 19/6, Tập đoàn sản xuất chip Intel của Mỹ thông báo kế hoạch đầu tư hơn 30 tỷ euro (tương đương 33 tỷ USD) vào Đức như một phần nỗ lực mở rộng hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại châu Âu.
Đây được xem là một dự án then chốt trong tham vọng biến Đức thành trung tâm chip toàn cầu của Thủ tướng Olaf Scholz.
Một nguồn thạo tin cho biết thỏa thuận bao gồm việc xây dựng 2 cơ sở sản xuất chất bán dẫn tân tiến, trong đó Đức dự kiến tài trợ khoảng 10 tỷ euro.
Giám đốc điều hành của Intel Pat Gelsinger bày tỏ hoan nghênh quyết định của Chính phủ Đức, cũng như chính quyền bang địa phương Sachsen-Anhalt, nơi công ty có kế hoạch xây dựng một nhà máy.
Ông nhấn mạnh kế hoạch này sẽ góp phần "hoàn thiện tầm nhìn về một ngành công nghiệp bán dẫn sôi động, bền vững và tiên phong tại cả Đức và Liên minh châu Âu (EU)."
Dưới sự điều hành của Gelsinger, Intel đã đầu tư hàng tỷ USD cho nỗ lực xây dựng các nhà máy trên khắp 3 châu lục nhằm khôi phục vị trí thống trị trong lĩnh vực sản xuất chip và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ "nặng ký" như AMD, Nvidia và Samsung.
Thỏa thuận với Berlin sẽ là thỏa thuận lớn thứ 3 trong vòng 4 ngày của Intel, sau 2 thỏa thuận 4,6 tỷ USD với Ba Lan và 25 tỷ USD với Israel.
Cả Mỹ và châu Âu đều đang tìm cách thu hút các tập đoàn công nghiệp lớn với các biện pháp như bổ sung trợ cấp chính phủ và ban hành các chính sách tạo điều kiện.
Chính phủ Đức bỏ ra hàng tỷ euro để trợ cấp cho các công ty công nghệ trong bối cảnh chuỗi cung ứng ngày càng mong manh, trong khi sự phụ thuộc về nguồn cung bán dẫn vào Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lại ngày càng tăng.
Năm 2022, hãng sản xuất chip Intel đã công bố kế hoạch xây dựng mạng lưới phức hợp nhà máy chip ở Đức, cũng như ở Ireland và Pháp, trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) nới lỏng các quy tắc tài trợ và trợ cấp để giảm phục thuộc vào nguồn cung của Mỹ và châu Á. Intel chưa công bố quy mô cụ thể của khoản đầu tư./.