Intel chạm mốc 4 tỷ sản phẩm xuất xưởng tại Việt Nam

Nhà máy lắp ráp, kiểm định của Intel đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ đạt mốc 4 tỷ sản phẩm xuất xưởng trong tháng 4.

Tại hội nghị kết nối nhà cung ứng Intel sáng 1/4, ông Naga Chandrasekaran, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Công nghệ và Vận hành, Tổng Giám đốc của Intel Foundry, cho biết nhà máy Intel tại Việt Nam sẽ chạm mốc 4 tỷ sản phẩm xuất xưởng vào tháng 4 này.

Đây được coi là dấu ấn quan trọng khẳng định vai trò của nhà máy lắp ráp và kiểm định của Intel tại Việt Nam trong chuỗi vận hành toàn cầu của tập đoàn. Ông Naga Chandrasekaran cam kết đồng hành cùng sự phát triển của hệ sinh thái chuỗi cung ứng bán dẫn tại Việt Nam.

“Chúng tôi ghi nhận và trân trọng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành bán dẫn tiếp tục mở rộng và phát triển”, ông nói.

 Ông Naga Chandrasekaran, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Công nghệ và Vận hành, Tổng Giám đốc của Intel Foundry. Ảnh: Gia Phúc.

Ông Naga Chandrasekaran, Phó Chủ tịch Điều hành, Giám đốc Công nghệ và Vận hành, Tổng Giám đốc của Intel Foundry. Ảnh: Gia Phúc.

Tổng Giám đốc của Intel Foundry cho biết, từ khi Intel Việt Nam thành lập năm 2006 đã đầu tư, xây dựng mạng lưới cung ứng địa phương và đến nay đã có 600 đối tác. Hội nghị các nhà cung ứng Intel được coi là nơi mở ra những cơ hội mới cho các nhà cung cấp, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy đổi mới, qua đó phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ mục tiêu phát triển lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao của Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, điển hình là Intel. Bà nói, hội nghị kết nối nhà cung ứng quy tụ hơn 40 nhà cung cấp linh kiện chiến lược tiếp tục khẳng định cam kết của Intel và Hoa Kỳ trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng bán dẫn địa phương vững mạnh.

“Đây là minh chứng điển hình về việc hợp tác giữa khối tư nhân và Chính phủ có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của chuỗi cung ứng nội địa và hỗ trợ tầm nhìn công nghệ cao của Việt Nam”, bà Susan Burns nói.

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, sự kiện thể hiện sức mạnh hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao hàng đầu thế giới. Với sự hiện diện và đầu tư của Intel, ông tin tưởng vào tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Lãnh đạo Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết sẽ nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, hỗ trợ tối đa cho Intel trong việc phát triển chuỗi cung ứng của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

“Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của chuỗi cung ứng tại Việt Nam, chúng tôi đề nghị Intel tiếp tục xây dựng các chương trình hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng thành công mạng lưới kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, và tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Phùng nói.

 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Gia Phúc.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Gia Phúc.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố được coi là trung tâm kinh tế, công nghiệp, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước. Với vị trí chiến lược, nhân lực chất lượng cao, hạ tầng hoàn chỉnh, hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, TP.HCM được coi là những địa phương có môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.

Theo ông Hoan, thông qua sự kiện kết nối nhà đầu tư, các doanh nghiệp sẽ tìm hiểu cơ hội hợp tác, chia sẻ, tìm kiếm cơ hội thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp bán dẫn còn non trẻ của TP.HCM.

Hà An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/intel-cham-moc-4-ty-san-pham-xuat-xuong-tai-viet-nam-post184142.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat
Zalo