Indonesia tuyên bố không nhập khẩu gạo trong năm tới
Giới chức trách Indonesia tuyên bố nước này sẽ không nhập khẩu gạo, bắp, đường và muối trong năm 2025 nhờ nguồn dự trữ và sản lượng trong nước dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu.
Indonesia cũng dự kiến tăng cường dự trữ gạo trong năm tới bằng cách thu mua gạo của nông dân trong nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Jakarta hôm 23-12, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề thực phẩm Indonesia Zulkifli Hasan tiết lộ, chính phủ sẽ nâng mức dự trữ gạo lên 2,5 triệu tấn để củng cố năng lực tự cung tự cấp lương thực. Ông cho biết hiện tại, dự trữ gạo trong các nhà kho của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) là 2 triệu tấn. Nếu tính cả các nhà bán lẻ, số gạo dự trữ trên toàn quốc ước tính lên tới 8 triệu tấn vào cuối năm nay.
Arief Prasetyo Adi, người đứng đầu Cơ quan lương thực quốc gia Indonesia, kêu gọi tăng tốc năng lực tự cung cấp như là bước đi chiến lược để bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước bền vững và độc lập. Ông bày tỏ lạc quan rằng, trong năm 2025, Indonesia có thể đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước mà không cần dựa vào nhập khẩu.
Trước đó vào hôm 18-12, ông Zulkifli Hasan khẳng định, nguồn dự trữ lương thực và thực phẩm thiết yếu trong nước an toàn và đầy đủ, do vậy, chính phủ quyết định không nhập khẩu bốn mặt hàng gồm gạo, bắp, đường và muối cho mục đích tiêu thụ của người dân và cả sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Cụ thể, ông cho biết, dự trữ đường đang ở mức 1,4 triệu tấn, trong khi sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 2,6 triệu tấn trong năm tới. Về mặt hàng muối, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 2,25 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong nước ước tính 1,76 triệu tấn trong năm tới.
Riêng về sản lượng bắp sử dụng chế biến thức ăn chăn nuôi, Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 16,68 triệu tấn so với nhu cầu dự kiến khoảng 13 triệu tấn trong năm tới. Đối với gạo, mục tiêu sản lượng trong nước vào năm là 32 triệu tấn, cao hơn mức nhu cầu ước tính ở mức 31 triệu tấn.
Theo dữ liệu của Cơ quan thống kê trung ương Indonesia (BSP), sản lượng gạo trong nước trong năm 2024 ước tính đạt 30,34 triệu tấn, giảm 2,43% so với mức sản lượng 31,1 triệu tấn được ghi nhận vào năm ngoái.
Chính phủ Indonesia đang triển khai thực hiện chương trình phát triển 3 triệu hecta đất trồng lúa mới để củng cố tính bền vững lương thực của đất nước trong bối cảnh đối mặt các thức thách toàn cầu và nhu cầu trong nước ngày càng lớn do dân số tăng.
“Chương trình này là một phần trong các bước đi chiến lược nhằm giải quyết mối đe dọa khủng hoảng lương thực toàn cầu và duy trì sự ổn định trong ngành nông nghiệp quốc gia”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Indonesia Sudaryono cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 10.
Ông nhấn mạnh, Indonesia cũng sẽ tăng cường sử dụng các giống lúa chất lượng cao, hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu và cơ giới hóa các hoạt động nông nghiệp. Ông Sudaryono lưu ý, trong những năm gần đây, đất đai nông nghiệp ở Indonesia suy giảm do chuyển đổi sử dụng sang mục đích công nghiệp và nhà ở. Trong khi đó, hệ thống lương thực toàn cầu chịu sự tác động lớn từ các bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu và các cuộ xung đột vũ trang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng quốc tế.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Indnesia Prabowo Subianto bày tỏ tự tin rằng, Indonesia sẽ dừng nhập khẩu khẩu gạo trong năm 2025. “Tôi tự tin rằng, chúng sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2025”, ông nói và nhấn mạnh mục tiêu của ông là Indonesia chấm dứt nhập khẩu tất cả các mặt hàng lương thực.
Nếu Indonesia dừng nhập khẩu gạo trong năm 2025, điều đó sẽ tạo ra một vết lõm nhu cầu khá lớn trên thị trường quốc tế. Đất nước đông dân nhất Đông Nam Á này là một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Theo BSP, trong 11 tháng đầu năm, Indonesia nhập khẩu 3,85 triệu tấn gạo, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng gạo nhập khẩu này chủ yếu đến từ Thái Lan (1,19 triệu tấn), Việt Nam (1,12 triệu tấn) và Myanmar (642.000 tấn).
Trong báo cáo gần đây, các nhà phân tích của S&P Global dự đoán, lượng gạo nhập khẩu của Indonesia trong năm tới giảm 44,5% so với năm nay. Điều này là nhờ Bulog tăng cường nhập khẩu gạo trong hai năm qua để ứng phó hiện tượng El Nino kéo dài.
Theo Jakarta Global, Antara, Xinhua