Indonesia ra mắt thiết kế bản đồ rủi ro thiên tai kỹ thuật số
Nhằm giảm thiểu thiệt hại thiên tai, vừa qua Indonesia đã ra mắt thiết kế bản đồ rủi ro thiên tai kỹ thuật số.
Tại Diễn đàn Toàn cầu về khả năng phục hồi bền vững (GFSR) đang diễn ra ở Jakarta, Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia Indonesia (BRIN) đã ra mắt thiết kế bản đồ rủi ro thiên tai kỹ thuật số của nước này.
Nhà nghiên cứu Nuraini Rahma Hanifa thuộc BRIN cho biết, bản đồ rủi ro thiên tai kỹ thuật số được tạo ra bằng cách thu thập, tổng hợp kết quả khảo sát thực địa ở những khu vực dễ xảy ra lở đất tại Indonesia. Bản đồ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo không gian địa lý (Geo-AI) để hiển thị từng khu vực rủi ro lở đất dưới dạng thực tế ảo trên các thiết bị điện tử.
Theo các nhà nghiên cứu BRIN, việc xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai kỹ thuật số nhằm cung cấp thông tin, cảnh báo cho công chúng về nguy cơ lở đất do lũ lụt hoặc động đất gây ra. Bản đồ cũng hữu ích cho các cơ quan, tổ chức chính phủ Indonesia trong việc phát hiện, phân tích và nhanh chóng đưa ra các chính sách phòng ngừa thiên tai. Tuy nhiên, do sự phức tạp địa hình Indonesia, bản đồ rủi ro thiên tai bước đầu mới được thiết lập cho khu vực đảo Java – đảo đông dân nhất Indonesia.
Bản đồ rủi ro thiên tai kỹ thuật số được xem là có ý nghĩa rất quan trọng đối với Indonesia, khi quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á thường xuyên hứng chịu các vụ lở đất, ngập lụt. Dữ liệu của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) cho biết Indonesia trải qua khoảng 5.400 vụ thiên tai năm 2023, 95% trong số này là các thiên tai khí tượng thủy văn như lũ lụt, lở đất với số người chết và mất tích lên tới hơn 6.000 người.