Indonesia chính thức gia nhập BRICS
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia, đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Chính phủ Brazil - quốc gia giữ cương vị Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2025 - cho biết các nước thành viên đã nhất trí kết nạp Indonesia trong một phần của nỗ lực mở rộng khối. "Brazil chúc mừng Indonesia gia nhập BRICS. Indonesia, quốc gia đông dân nhất, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, và các thành viên khác trong khối ủng hộ cải cách các thể chế toàn cầu và đóng góp tích cực cho tăng cường hợp tác ở Nam Bán cầu, vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch của Brazil", Bộ Ngoại giao Brazil thông báo ngày 6-1.
Lãnh đạo các nước BRICS đã chấp thuận kết nạp Indonesia tại hội nghị thượng đỉnh khối ở Johannesburg, Nam Phi hồi tháng 8-2023, song quốc gia Đông Nam Á đề nghị gia nhập khối sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Ngày 20-10-2024, ông Prabowo Subianto đã chính thức nhậm chức Tổng thống Indonesia. Từ năm ngoái, Indonesia khẳng định, việc nước này muốn gia nhập BRICS là biểu hiện của chính sách đối ngoại độc lập chủ động của đất nước. Jakarta khẳng định, điều này không có nghĩa là Indonesia gia nhập một khối nào đó, mà là tích cực tham gia vào mọi diễn đàn. Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết. Indonesia cho biết thêm BRICS phù hợp với các chương trình nghị sự của đất nước, đặc biệt là về an ninh lương thực và năng lượng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nói thêm rằng Jakarta coi nhóm này là "phương tiện" thúc đẩy lợi ích của các nước Nam bán cầu.
Ngày 7-1, Bộ Ngoại giao Indonesia ra tuyên bố cho biết họ "hoan nghênh" thông báo về việc gia nhập của mình. "Thành tựu này cho thấy vai trò ngày càng tích cực của Indonesia trong các vấn đề toàn cầu và cam kết tăng cường hợp tác đa phương để tạo ra một cấu trúc toàn cầu toàn diện và công bằng hơn" - tuyên bố viết. Indonesia coi tư cách thành viên BRICS là "một bước đi chiến lược để cải thiện sự hợp tác và hợp tác với các quốc gia đang phát triển khác, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và phát triển bền vững" - tuyên bố của Jakarta cho biết. Indonesia cũng bày tỏ "lòng biết ơn đối với Nga", chủ tịch BRICS năm 2024, "vì sự ủng hộ và lãnh đạo của họ trong việc tạo điều kiện cho Indonesia gia nhập", cũng như đối với Brazil.
Năm ngoái, BRICS đã kết nạp thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với tư cách là thành viên chính thức. Indonesia, quốc gia có dân số và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, là nước đầu tiên trong khu vực này trở thành một phần của BRICS. Ngoài ra, trong Đông Nam Á, cả Thái Lan và Malaysia cũng từng công khai bày tỏ mong muốn được kết nạp vào khối. Theo các quan chức cấp cao của Nga, hơn 20 quốc gia khác cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS.
Trước khi Indonesia gia nhập, BRICS chiếm gần 45% dân số thế giới và 35% GDP toàn cầu. Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 11-2024 ở Kazan (Nga), các thành viên BRICS đã thảo luận về thúc đẩy thanh toán không dùng đồng USD và tăng cường sức mạnh nội tệ. Động thái này khiến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dọa áp thuế 100% với các thành viên khối nếu họ tìm cách thay thế USD. Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay dự kiến diễn ra ở Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 7.