Ði từng ngõ, đến từng nhà...
Chiều 26-3, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS) tổ chức lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng 'Bình dân học vụ số'. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào với tinh thần 'đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người về tri thức, kỹ năng số với tinh thần cách mạng, toàn dân, toàn diện, sâu rộng, không ai bị bỏ lại phía sau'.
Lấy cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” được Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động ngay sau khi đất nước giành độc lập năm 1945 nhằm giải quyết “giặc dốt”, phong trào “Bình dân học vụ số” được phát động nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia. Mục đích của phong trào nhằm tuyên truyền, hỗ trợ, phổ cập tới người dân các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin; tổ chức các khóa học trực tuyến về kỹ năng số thiết yếu; hướng dẫn, phổ cập cho người dân sử dụng máy tính, các thiết bị thông minh, mạng xã hội, dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền qua nền tảng số. Đặc biệt, “Bình dân học vụ số” còn hướng dẫn người dân truy cập internet, các nền tảng và kỹ năng số thiết yếu một cách văn minh, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, tránh lừa đảo số và phòng ngừa thông tin xấu, độc trên không gian số…
80 năm trước, khi đất nước vừa giành được độc lập, có hơn 95% dân số nước ta chưa biết đọc, biết viết và phong trào “Bình dân học vụ” ra đời với mục tiêu cấp bách nhằm xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Bình dân học vụ” giúp người dân thoát khỏi cảnh mù chữ, tiếp cận tri thức và đưa dân tộc Việt Nam phát triển để có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Hơn nữa, đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS, nên không thể không có phong trào “Bình dân học vụ số”.
Đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào “Bình dân học vụ số” còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển, đồng thời nhấn mạnh vai trò của tri thức là chìa khóa, công nghệ là cánh cửa để mở ra một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, để “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào cách mạng, toàn dân, toàn diện, sâu rộng và không ai bị bỏ lại phía sau thì cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy CĐS tại cơ quan, đơn vị và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn kết cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội.
Các địa phương phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của CĐS. Và để làm được điều này thì không thể không triển khai các mô hình CĐS tại các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư gắn với nội dung kỹ năng số cơ bản và sau đó tổng hợp, phổ biến, chia sẻ các mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo trong hoạt động của tổ CĐS cộng đồng. Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghệ số, cơ quan, tổ chức xã hội ở mỗi địa phương cần nhanh chóng triển khai chiến dịch ra quân đến từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ và ứng dụng để phát triển xã hội số, kinh tế số, công dân số trên nền tảng https://binhdanhocvuso.gov.vn.