Hy vọng mới khi nhiều người được tìm thấy trong trận động đất ở Myanmar
Nỗ lực giải cứu những người mất tích trong các đống đổ nát mang lại hi vọng mới khi có thêm nhiều người được tìm thấy, trong bối cảnh trận động đất tại Myanmar đã bước sang ngày thứ ba liên tiếp.
Song song với hoạt động tìm kiếm những người mất tích, công tác hỗ trợ người sống sót và xử lý hậu quả của động đất cũng đang được triển khai mạnh mẽ tại quốc gia Đông Nam Á này, dưới sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Ba ngày sau trận động đất, số người thiệt mạng tiếp tục tăng lên 1.700, số người bị thương là 3.400 và hơn 300 người mất tích sau trận động đất mạnh 7,7 độ. Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing cảnh báo con số thương vong có thể còn tiếp tục tăng trong bối cảnh công tác tìm kiếm, cứu hộ gặp nhiều trở ngại. Một phần do nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cầu, đường cao tốc, sân bay và đường sắt, trên khắp đất nước 55 triệu dân này đã bị hư hại. Cùng với đó, rất nhiều công trình kiến trúc lịch sử và tôn giáo, nhiều khách sạn, nhà ở đã bị phá hủy.

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát trong trận động đất ở Mandalay, Myanmar. Ảnh: Reuters
Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, tình trạng thiếu thiết bị chuyên dụng đã khiến lực lượng cứu hộ và người dân dùng tay để tìm kiếm người sống sót. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, sáng sớm nay, - thời điểm 3 ngày sau trận động đất có độ lớn 7,7 độ tàn phá Myanmar, các lực lượng cứu hộ đã giải cứu một thai phụ khỏi đống đổ nát của một tòa nhà ở Mandalay.
Trước đó, cùng ngày, đội tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc cũng đã giải cứu thành công một phụ nữ bị mắc kẹt gần 60 giờ dưới đống đổ nát của Khách sạn Vạn Lý Trường Thành cũng ở thành phố Mandalay. Người này có các dấu hiệu sinh tồn tốt khi được giải cứu. Việc giải cứu thành công những người bị mắc kẹt được xem như một tia hy vọng le lói tiếp thêm sức cho người thân những người mất tích và các đội cứu hộ đang chạy đua với thời gian nhằm tìm kiếm thêm người sống sót.
"Tôi đã gọi cho chồng tôi, người bị kẹt bên trong vô số lần. Có lẽ là 100 đến 200 cuộc gọi một ngày, nhưng không có cuộc gọi nào được thực hiện. Tôi chỉ tiếp tục cố gắng, hy vọng có thể có tín hiệu. Có thể anh ấy sẽ liên lạc với tôi hoặc gọi cầu cứu. Ít nhất thì tôi cũng biết anh ấy đang ở đâu, anh ấy thế nào. Đó là tất cả những gì tôi muốn biết. Tôi lo lắng vì không thể liên lạc được với anh ấy. Tôi chỉ muốn biết thôi”.
"Chúng tôi vẫn đang chờ đợi. Chúng tôi chưa mất hy vọng. Chúng tôi vẫn đang hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi sẽ không để suy nghĩ của mình đi quá xa cho đến khi tìm thấy. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn tin rằng không có chuyện gì xảy ra với những người thân yêu của chúng tôi. Mong một phép màu xảy ra. Mong những người cứu hộ sớm tìm thấy họ một cách dễ dàng”.
Theo các chuyên gia cứu hộ động đất, mốc thời gian ba ngày đầu có ý nghĩa rất quan trọng với những nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát. Nghiên cứu cho thấy, hơn 90% những người sống sót sau trận động đất đa phần được giải cứu trong vòng 72 giờ đầu tiên.
Trong khi việc tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn sau động đất đang được thực hiện khẩn trương thì các hoạt động hỗ trợ người còn sống cũng đang được đẩy mạnh. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết, các bệnh viện ở một số khu vực miền Trung và Tây Bắc Myanmar, bao gồm thành phố lớn thứ hai Mandalay và thủ đô Naypyitaw, đang phải vật lộn để đối phó với dòng người bị thương đổ về.
Trong khi thực phẩm, nước sinh hoạt, thuốc men, các đồ dùng thiết yếu trước đây đã thiếu trầm trọng, giờ càng trở nên khó khăn hơn khi hàng triệu người, nhất là phụ nữ và trẻ em đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Phát biểu trước báo giới, người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Mandalay Sai Hanlynn Aung nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn đang tiến hành đánh giá nhu cầu của người dân, chúng tôi biết rằng đây là một thảm họa nghiêm trọng đối với trẻ em và gia đình trên khắp Mandalay. Nhiều ngôi nhà đã bị phá hủy, đường sá và cầu cống bị hư hại, nhiều trẻ em và gia đình vẫn mất tích và bị chấn thương. Chúng tôi cần sự hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ, những người thường phải chịu đựng nhiều nhất trong tình huống như thế này”.
Theo phản ánh của nhiều người dân, các tòa nhà đã trở nên không an toàn, buộc mọi người phải ngủ trên đường phố và bãi đất trống. Các tòa nhà bệnh viện bị sập trong trận động đất, khiến bệnh nhân phải nằm trên mặt đất thay vì ở trên giường.
Để hỗ trợ Myanmar, nhiều nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác đã cử các đội cứu hộ cùng trang thiết bị đến hỗ trợ cứu nạn tại Myanmar. Đoàn cứu hộ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gồm hơn 100 người cũng đang trên đường đến thành phố Mandalay để hỗ trợ công tác cứu nạn.
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá trận động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp ở cấp độ cao nhất, đồng thời kêu gọi tài trợ khẩn cấp 8 triệu đô la để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại Myanmar trong 30 ngày tới. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số lượng lớn nạn nhân và thương tích do chấn thương có nguy cơ nhiễm trùng cao do năng lực phẫu thuật hạn chế tại quốc gia này, trong khi điều kiện cơ bản ở Myanmar có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng thông báo lô hàng đầu tiên gồm bộ dụng cụ cấp cứu để điều trị vết thương nặng và gãy xương, cùng với lều đa năng đã đến được bệnh viện quy mô 1.000 giường ở thủ đô Naypyitaw, sau khi được vận chuyển từ kho dự trữ khẩn cấp ở Yangon. Các vật tư tương tự đang trên đường vận chuyển về phía Bắc tới Bệnh viện Đa khoa Mandalay.