Hy Lạp tức tốc cử đặc nhiệm đến Santorini
Trường học trên đảo Santorini đóng cửa và người dân được yêu cầu tránh xa bờ biển sau hàng trăm cơn địa chấn.
Chính quyền Hy Lạp đã điều động lực lượng đặc nhiệm, đội cứu hộ, lều trại và máy bay không người lái đến đảo Santorini sau khi hàng trăm địa chấn được ghi nhận trong khu vực, theo Guardian.
Trong bối cảnh lo ngại về một trận động đất lớn hơn có thể gây ra sóng thần, người dân được khuyến cáo tránh xa bờ biển và các tòa nhà bỏ hoang, rút cạn nước trong các hồ bơi và tránh tụ tập đông người ở những không gian kín.
Bộ bảo vệ dân sự cho biết các trường học sẽ đóng cửa ngày 3/2 để phòng ngừa.
"Không thể loại trừ bất cứ điều gì", giáo sư địa vật lý Kostas Papazachos tại Đại học Aristotle ở Thessaloniki, nói với đài truyền hình nhà nước ERT.
"Và đó là lý do cho các biện pháp phòng ngừa, chính xác là nhằm hạn chế tác động của một trận động đất mạnh hơn".
Hy Lạp nằm trên nhiều đường đứt gãy và thường xuyên rung lắc vì địa chấn, nhưng các chuyên gia mô tả hoạt động địa chấn gia tăng trong vòng 48 giờ qua, với hơn 200 cơn địa chấn được ghi nhận, là rất nghiêm trọng. Song các nhà khoa học nhấn mạnh rằng các cơn địa chấn này do hoạt động kiến tạo kích hoạt chứ không phải hoạt động núi lửa.
Giáo sư Papazachos nói với truyền thông địa phương rằng nhiều địa chấn có cường độ từ 4 đến 4,5 độ, trong đó trận mạnh nhất được ghi nhận ở vùng biển giữa Santorini và Amorgos.
Là nơi xảy ra một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận, Santorini cũng là hòn đảo Aegean nổi tiếng nhất của Hy Lạp, thu hút khoảng 3,5 triệu khách du lịch vào năm ngoái.
Tối 2/2, khi các biện pháp phòng ngừa tương tự được triển khai trên Amorgos và các đảo nhỏ Ios và Anafi gần đó, các đội cứu hộ ở Santorini đã dựng lều ở những khu vực cao trên sân bóng rổ và bãi đậu xe.
Trong trường hợp xảy ra sóng thần, mọi người được yêu cầu vào đất liền.
Các công ty phà cho biết ghi nhận sự gia tăng số lượng lao động nước ngoài rời đảo đến cảng Piraeus.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng lớp vỏ bên dưới biển xung quanh Santorini chứa đầy các đường đứt gãy. Năm 1956, hòn đảo này đã chịu thiệt hại nặng nề sau khi hứng chịu trận động đất mạnh hơn 7 độ, gây ra sóng thần.
Ông Gerasimos Papadopoulos, một nhà địa chấn học, cho biết "mọi thứ đều có thể xảy ra" nhưng hoạt động gia tăng đã được ghi nhận "ở vùng biển cách xa các đảo đáng kể" - điều có thể coi là may mắn.
Các biện pháp bảo vệ tiếp theo sẽ được thảo luận tại một cuộc họp nội các do Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis triệu tập, có sự tham dự của người đứng đầu lực lượng vũ trang, trong bối cảnh có suy đoán rằng quân đội cũng sẽ được điều động đến các đảo Aegean.