Huyện Yên Châu sát cánh cùng người dân phát triển sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, huyện Yên Châu đã chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Nhờ sự hỗ trợ của huyện Yên Châu, sản phẩm cây ăn quả của người dân đều cho sai trĩu quả.

Nhờ sự hỗ trợ của huyện Yên Châu, sản phẩm cây ăn quả của người dân đều cho sai trĩu quả.

Hướng dẫn kỹ thuật cho người dân

Để giúp người nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp và vươn lên thoát nghèo, những năm qua UBND huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bằng hình thức "cầm tay chỉ việc" cho người dân. Qua đó, giúp nhiều nông hộ có nguồn thu nhập ổn định và phát triển kinh tế bền vững.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Yên Châu đã giao cho phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân... tổ chức hàng trăm lớp dạy nghề cho người dân các dân tộc và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cùng với đó, UBND huyện Yên Châu tiên phong thực hiện mô hình dạy nghề và hướng dẫn kỹ thuật khoa học cho nông dân, nhất là đối với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bằng những việc làm thiết thực như trên, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã biết cách áp dụng các mô hình hay và có giá trị kinh tế cao trong sản xuất, như: Trồng xoài tròn, xoài tượng da xanh, dâu tây, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, măng tây, bơ, chăn nuôi bò... Nhờ đó, thu nhập của người dân nơi đây không ngừng tăng cao, đời sống vật chất ngày càng khấm khá.

 Nhờ trồng xoài da xanh, ông Hoạt đã thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá.

Nhờ trồng xoài da xanh, ông Hoạt đã thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá.

Ông Hoàng Văn Hoạt, bản Cốc Lắc (xã Tú Nang, huyện Yên Châu) cho biết, gia đình ông trước đây chủ yếu trồng ngô và và làm ruộng, công sức bỏ ra thì lớn nhưng thu nhập thấp.

"Cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khi được huyện tuyên truyền và mở lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất dốc, tôi đã mạnh dạn mua mắt xoài tượng da xanh về ghép trên cây xoài địa phương", ông Hoạt nói.

Sau 3 năm, vườn xoài của gia đình ông Hoạt bắt đầu cho quả bói và bước đầu cho thu nhập. Nhận thấy trồng xoài cho kinh tế cao, nên ông Hoạt tiếp tục mở rộng diện tích trồng trên nương rẫy.

"Đến nay tôi có hơn 3ha xoài, mỗi năm cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Từ khi trồng xoài, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và khá giả hơn so với trồng ngô, sắn trước kia”, ông Hoạt nói.

Những năm qua, UBND huyện Yên Châu đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể lồng ghép, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt nông hộ trên địa bàn huyện tham gia.

Việc làm thiết thực này đã nâng cao tay nghề, tạo tư duy mới, hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cho người dân. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa.

 Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu hướng dẫn cách chăm sóc xoài cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Điện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu hướng dẫn cách chăm sóc xoài cho người dân.

Thoát nghèo và có cuộc sống dư giả

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho hay, để phát huy những lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hội viên phát triển sản xuất.

Điển hình như việc nhận ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho người dân các dân tộc vay vốn; Chỉ đạo các phòng chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật, tìm những mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao giúp người dân.

Huyện còn mở nhiều lớp tập huấn chăm sóc cây trồng cho người nông dân. Vì vậy, năng suất và sản lượng trong trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện không ngừng tăng cao, đời sống của người dân không ngừng cải thiện rõ rệt.

Theo ông Cường, qua các hoạt động tổ chức tập huấn người dân, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại có hiệu quả kinh tế cao, áp dụng những công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp làm tăng năng suất lao động.

Tiêu biểu như: Mô hình trang trại nuôi lợn, quy mô nuôi hơn 2.000 con lợn thịt, với các lứa tuổi khác nhau của hộ nông dân Trần Như Kiên, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng lãi hơn tỷ đồng/năm.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, tận dụng thế mạnh sẵn có tại địa phương nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, như: Ông Lò Văn Quang, Lò Văn Dũng, bản Cốc Lắc, xã Tú Nang với mô hình vườn cây ăn quả cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm... Ngoài ra, còn có nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện sở hữu khối tài sản lớn nhờ trồng cây ăn quả, chăn nuôi.

 Hiện nay, huyện Yên Châu được mệnh danh là thủ phủ xoài của tỉnh Sơn La.

Hiện nay, huyện Yên Châu được mệnh danh là thủ phủ xoài của tỉnh Sơn La.

Ông Lê Văn Sơn, bản Trung Tâm, xã Tú Nang chia sẻ: " Trước đây, tôi trồng khoảng 300 gốc nhãn địa phương trên nương rẫy, với mong muốn tăng nguồn thu nhập. Tuy nhiên, giống nhãn này cho quả bé, không ngọt, năng suất thấp, nguồn thu nhập của gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng. Lúc đó, thu nhập của tôi bấp bênh lắm, nợ nần chồng chất, khó khăn thiếu thốn đủ bề".

Một lần tham gia lớp hướng dẫn trồng cây ăn quả của huyện tổ chức, ông Sơn được giới thiệu về năng suất của loại nhãn Miền Thiết và được hướng dẫn cách ghép loại nhãn này lên nhãn địa phương.

Sau đó, ông Sơn trở về mua mắt ghép, ghép lên vườn nhãn trên đất dốc của gia đình.

"Nhờ bước đi này, gia đình tôi đã thoát khỏi cảnh nợ nần, giờ đã dư giả, mỗi năm tôi thu nhập hơn 350 triệu đồng", ông Sơn nói.

 Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ về kỹ thuật của huyện Yên Châu, sản phẩm cây ăn quả của bà con đều cho năng suất cao.

Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ về kỹ thuật của huyện Yên Châu, sản phẩm cây ăn quả của bà con đều cho năng suất cao.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu thông tin thêm, chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân đã mang lại kết quả cao, phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của người dân.

Từ đó, giúp họ có kiến thức trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ dân được "cầm tay chỉ việc" đều đạt thành công trong sản xuất nông nghiệp và thu nhập cao. Qua đó, góp phần ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Từ những việc làm cụ thể, thiết thực đó, huyện Yên Châu đã từng bước giúp đỡ nhiều hộ dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hà Hoàng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/huyen-yen-chau-sat-canh-cung-nguoi-dan-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep-post691219.html
Zalo