Huyện Thường Tín: Khai thác và phát triển du lịch văn hóa

Với vị trí cửa ngõ của Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội 20km, Thường Tín có vị trí địa lý và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm gần đây, huyện đang đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa với những thay đổi tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Huyện Thường Tín nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, là vùng đất khoa bảng, đất trăm nghề, nơi tiếp nhận, giữ gìn, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Những năm gần đây, huyện đang đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa với những thay đổi tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Đất danh hương, khoa bảng, trăm nghề”

Thường Tín là một trong những địa phương đứng đầu Thủ đô Hà Nội về số lượng di tích lịch sử, văn hóa với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích đã được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp thành phố). Rất nhiều trong số đó là di tích nổi tiếng như chùa Đậu, đền - bến Chương Dương, đền thờ Nguyễn Trãi...

Gắn với hệ thống di tích là các lễ hội tiêu biểu, đặc sắc như Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), Lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), Lễ hội đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất), Lễ hội chùa Mui (xã Tô Hiệu)...

Du khách tham quan đền thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê)

Du khách tham quan đền thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê)

Bên cạnh đó, Thường Tín cũng sở hữu 129 di sản văn hóa phi vật thể gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian... Nhiều năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thường Tín đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngành Văn hóa huyện phối hợp với các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với đó, huyện cũng phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nghiên cứu, phục hồi các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền như hát trống quân, hát chèo, chầu văn, múa rối cạn...

Theo thống kê, huyện Thường Tín hiện có 126 làng nghề, trong đó 50 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Nhờ có thương hiệu giúp các sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Huyện kết hợp giữa phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch văn hóa tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều điểm du lịch hút khách

Tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), những năm qua đã đón hàng nghìn lượt du khách về nghỉ, tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, tham dự các lễ hội lịch sử của xã. Điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân có diện tích 128ha, bao gồm 6 khu chuyên biệt.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng chia sẻ, đến Hồng Vân, du khách sẽ thong dong thả bộ trên bờ đê sông Hồng. Ngoài ra, du khách có thể đi xe điện, đạp xe tham quan làng nghề; trò chuyện với các nghệ nhân, người dân làng nghề; tham gia trải nghiệm hoạt động làm vườn, trồng và chăm sóc hoa, trò chơi dân gian... Đặc biệt, Hồng Vân còn là vùng đất của rất nhiều di tích lịch sử văn hóa với hệ thống đình, đền, chùa mang nét đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc Bộ, thu hút rất nhiều du khách.

Hay tại xã Duyên Thái (huyện Thường Tín), nhờ sự hỗ trợ của địa phương, những năm qua, người dân làng Hạ Thái đã mở rộng các mô hình kinh doanh nhằm nâng cao độ phủ sóng và thúc đẩy kinh tế. Lấy nét đặc trưng là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, làng Hạ Thái đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu và thử sức làm tranh sơn mài.

Mỗi sản phẩm sơn mài đều đòi hỏi sự công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ, điêu luyện trong từng công đoạn

Mỗi sản phẩm sơn mài đều đòi hỏi sự công phu, cầu kỳ, tỉ mỉ, điêu luyện trong từng công đoạn

Làng nghề sơn mài Hạ Thái trở thành địa chỉ có uy tín với bạn hàng trong nước cũng như quốc tế, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín cho biết, huyện đã và đang xây dựng các đề án như: “Phát triển du lịch tâm linh gắn với làng nghề và làng sinh thái huyện Thường Tín giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030”, “Khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi” (xã Nhị Khê) và “Khu du lịch văn hóa làng nghề Thượng Phúc” (xã Văn Bình). Đây là nền tảng cơ bản để huyện phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa vốn có, đồng thời định hình thương hiệu du lịch Thường Tín trong thời gian tới.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Thường Tín đã xác định thế mạnh và sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện là du lịch văn hóa, tâm linh gắn với du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản chia sẻ, để bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, Thường Tín đã tổ chức hàng loạt cuộc tọa đàm khoa học, trong đó có tọa đàm khoa học chủ đề “Công chúa Khúc Thị Ngọc và chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi”.

Hoạt động này mục đích nhằm tìm ra hướng trùng tu, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ xứng với công lao to lớn của công chúa Khúc Thị Ngọc. Đây là một trong những công trình di tích lịch sử đã được lãnh đạo Huyện ủy cũng như cán bộ và Nhân dân Thường Tín quan tâm mong đợi từ lâu chờ có ngày thực hiện.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế văn hóa, lịch sử, làng nghề, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời, chú trọng, đầu tư, bảo tồn, phát triển bản sắc “Đất danh hương, khoa bảng, trăm nghề”.

Phan Nho

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/huyen-thuong-tin--khai-thac-va-phat-trien-du-lich-van-hoa-130262.htm
Zalo