Huyền thoại Miliket có gì trong 'mỏ vàng' mỳ ăn liền

Người dân vẫn thường gọi các sản phẩm mỳ ăn liền là mỳ tôm một phần do ảnh hưởng bởi thương hiệu 'vang bóng một thời' Miliket với hình ảnh con tôm trên bao bì giấy.

Hình ảnh gói mỳ quen Miliket quen thuộc. Ảnh: Colusa – Miliket

Hình ảnh gói mỳ quen Miliket quen thuộc. Ảnh: Colusa – Miliket

Những năm 70-80 cuối thế kỷ 20, sản phẩm mì ăn liền Miliket chiếm tới 90% thị trường Việt Nam. Tuy nhiên hiện tại, mì ăn liền Miliket của Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (mã chứng khoán: CMN) chỉ chiếm thị phần nhỏ, trong bối cảnh trên thị trường có hàng trăm thương hiệu mì ăn liền khác nhau.

Dù vậy, một bộ phận người dân Việt Nam vẫn rất ưa chuộng sản phẩm này bởi hương vị quen thuộc. Thậm chí, người dân vẫn thường gọi các sản phẩm mỳ ăn liền là mỳ tôm một phần do ảnh hưởng bởi thương hiệu “vang bóng một thời” Miliket với hình ảnh con tôm trên bao bì giấy.

Miliket là một trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng nhằm phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, tiền thân là 2 nhà máy Chế biến thực phẩm Colusa (1972) và Miliket Food (1995). Hai công ty này đã hợp nhất vào tháng 4/2004 với tên gọi Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Colusa - Miliket để tiến hành cổ phần hóa.

Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Colusa được thành lập năm 1972 với tên gọi Công ty Sản xuất và Chế biến Mì ăn liền Safoco Sài Gòn. Xí nghiệp Lương thực Miliket được thành lập từ năm 1995, hợp nhất từ 2 cửa hàng Lương thực Thủ Đức và Lương thực Quận 5.

Thời kỳ đất nước khó khăn, mì tôm là một món ăn rất xa xỉ, giá trị 500 - 1.500 đồng ngày ấy là một số tiền không hề nhỏ. Còn nhớ, mỳ ăn liền là thức ăn yêu thích của trẻ con, những người thế hệ 7x, 8x. Cảm giác sung sướng khi được thưởng thức một bát mì nóng hổi đổi vị bữa cơm hàng ngày là ký ức chung về một tuổi thơ vất vả của rất nhiều thế hệ người Việt. Lúc bấy giờ, mỳ Miliket là món ăn được mong đợi, khao khát nhất.

Hiện nay, giữa muôn vàn sản phẩm để lựa chọn, mỳ Miliket vẫn được một bộ phận người dân tìm đến, như tìm về miền ký ức vất vả, gian khó. Thực tế, sau rất nhiều năm Colusa – Miliket đã không thực hiện nhiều cải tiến nhiều về bao bì đóng gói, doanh nghiệp đang khai thác thế mạnh “ký ức” để cạnh tranh với các đối thủ trên thương trường.

Thị trường mỳ ăn liền của Việt Nam được cho là “mỏ vàng” để doanh nghiệp khai thác. Tuy nhiên, chỉ những công ty đón bắt được xu hướng mới, đáp ứng tốt nhất thị hiếu tiêu dùng của nhiều đối tượng khách hàng thì mới thành công. Sản phẩm mỳ Miliket đang phải vật lộn để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Hiện nay, mỳ Miliket được bắt gặp nhiều nhất trong những quán nhậu. Thực tế, những người còn nhớ, trân quý thương hiệu mỳ ăn liền Miliket cũng dần ít đi, thêm vào đó, họ có nhiều lựa chọn khác, một số người muốn tìm lại cảm giác xưa thì chỉ thỉnh thoảng mua sản phẩm cho “đỡ nhớ”.

Cùng đó, bộ phận lớp trẻ sinh ra thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập thích những sản phẩm mẫu mã đẹp, quảng cáo nhiều đã tạo cơ hội cho các tập đoàn lớn như Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Acecook) với thương hiệu Mỳ Hảo Hảo khuynh đảo thị trường Việt Nam suốt nhiều năm, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng MaSan (MaSan) với sản phẩm Mỳ Omachi, Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương... Ngoài sản phẩm mỳ ăn liền, các doanh nghiệp còn có rất nhiều sản phẩm khác như cháo ăn liền, miến ăn liền, bún ăn liền...

Theo báo cáo của Euromonitor - một trong những hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Anh - năm 2021, Việt Nam tiêu thụ khoảng 411.500 tấn mì gói, tăng 9% so với năm 2020 và tăng hơn 20% nếu so với năm 2016.

Về giá trị, thị trường mì ăn liền ghi nhận hơn 3.800 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2020 và tăng gần 18% so với 5 năm trước đó. Như vậy, trung bình mỗi ngày, người Việt dùng hơn 1.127 tấn và chi hơn 84 tỷ đồng cho việc ăn mì gói.

Trước đó, số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) cũng cho thấy Việt Nam vượt Hàn Quốc thành thị trường tiêu thụ mì tôm tính trên đầu người cao nhất thế giới. Trung bình, mỗi người dùng 87 gói trong một năm.

Euromonitor cũng chỉ ra Acecook và Masan là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mì gói, chiếm tổng cộng 33%. Nhóm phân tích cũng cho rằng, cao cấp hóa cũng ngày càng trở thành xu hướng rõ ràng trong mì ăn liền.

Những doanh nghiệp lớn đang thu lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng từ mỳ gói mỗi năm, trong khi Miliket có kết quả khá khiêm tốn.

Nhìn lại năm 2022, Miliket ghi nhận doanh thu đạt kỷ lục kể từ khi niêm yết tới nay - đạt 631 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2021 (tương đương thu hơn 1,7 tỷ đồng mỗi ngày).

Thị trường nội địa vẫn là nguồn thu chủ lực của Colusa - Miliket khi đóng góp 590 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 93,5% còn thị trường nước ngoài là 41,45 tỷ đồng. Tuy nhiên về hiệu quả, thị trường nước ngoài đem lại tỷ suất lợi nhuận gộp 26% trong khi thị trường trong nước là 21%.

Các chi phí như tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ. Khiến Miliket báo lãi trước thuế gần 27 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 21 tỷ đồng, tăng 50%.

Trong nhiều năm, công ty vẫn giữ mức vốn 48 tỷ đồng. Ba cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 71% vốn; trong đó, hai cổ đông vốn nhà nước là Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.

Hiện công suất của nhà máy đạt 500.000 gói mỗi ngày, đủ đáp ứng thị trường trên cả nước thông qua 200 nhà phân phối. Ngoài ra, sản phẩm Colusa – MILIKET cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Lào, Campuchia…

Bên cạnh sản phẩm mì ăn liền truyền thống, sản phẩm Colusa – MILIKET còn có các mặt hàng thực phẩm chế biến khác như miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền… và các mặt hàng gia vị như nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật…

Bên cạnh sản phẩm truyền thống, Miliket đã đa dạng các sản phẩm của mình. Ảnh: Colusa – Miliket

Bên cạnh sản phẩm truyền thống, Miliket đã đa dạng các sản phẩm của mình. Ảnh: Colusa – Miliket

Công ty cho biết, hệ thống phân phối sản phẩm vẫn tiếp tục được duy trì và mở rộng hàng năm. Tính đến nay, mạng lưới tiêu phân phối trong nước được mở rộng khắp 63 tỉnh thành, các kênh phân phối trên cả nước gồm: Hệ thống nhà phân phối, đại lý, hệ thống các siêu thị lớn như Co.op mart, Lotte, Mega Market, Aeon, Emart, Big C, Satra…, các hệ thống cửa hàng tiện ích như Bách Hóa Xanh, Circle K, B’s Mart, Ministop…

Trong năm 2022 tình hình xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn nhưng công ty cũng đã cố gắng tập trung duy trì tại các quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu, châu Đại Dương,

Ban lãnh đạo công ty cho rằng, năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều phức tạp, hầu hết do tình hình khó khăn của năm 2022 nói trên vẫn còn ảnh hưởng nhiều cho năm 2023 tiếp theo, cùng với việc cạnh tranh gay gắt giữa các đối thủ cùng ngành hàng và các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước trên thế giới. Do đó, năm 2023, Miliket lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 3% còn 26 tỷ đồng.

Về mặt thuận lợi, công ty cho biết đã được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để xuất hàng đi thị trường châu Âu. Do đó trong năm 2023, công ty có khả năng khai thác thị trường xuất khẩu nhiều hơn.

Đồng thời, công ty đang tập trung đầu tư các hạng mục để giảm nhân sự, giảm giá thành; đầu tư tự động hóa một số công đoạn chính nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm nhân sự, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh.

Công ty cũng đầu tư nâng cao chất lượng các hạng mục thiết bị kỹ thuật để duy trì và nâng cao hệ thống an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất hàng đi thị trường châu Âu. Trên cơ sở đó, công ty tăng cường tìm kiếm thêm các khách hàng xuất khẩu mới, chào bán thêm các sản phẩm để tăng thêm sản lượng đạt theo mục tiêu chung.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/7, giá CMN là 60.000 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường đạt gần 289 tỷ đồng./.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/huyen-thoai-miliket-co-gi-trong-mo-vang-my-an-lien/300258.html
Zalo