Huyện Sóc Sơn nói gì về việc người trả giá 30 tỷ đồng/m2 'than' có áp lực tại phiên đấu giá?
Lãnh đạo huyện Sóc Sơn khẳng định, không hề có tình trạng 'lộn xộn' như những thông tin ông T. chia sẻ, cuộc đấu giá được diễn ra đúng theo quy định, đảm bảo an toàn, trật tự.
Phiên đấu giá 58 lô đất tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) ngày 29/11 vừa qua đã gây xôn xao dư luận khi xuất hiện thông tin có người trả giá tới hơn 30 tỷ đồng/m2. Đây được coi là mức giá "trên trời" và chưa từng xuất hiện trên thị trường bất động sản từ trước tới nay.
Ngay sau khi kết thúc cuộc đấu giá, UBND huyện Sóc Sơn đã có thông báo về sự việc. Theo đó, người trả giá rất cao cho 3 lô đất rồi bất ngờ "dừng cuộc chơi" là ông Phạm Ngọc T. (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Trao đổi với báo chí, ông T. xác nhận, đã trả giá 30 tỉ đồng/m2 đối với 3 thửa đất có ký hiệu A12, A13, C6. Về mức này, ông T. nói rằng muốn xây dựng thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, sau khi bị áp lực từ phía hội trường, thậm chí dọa nạt, ông T quyết định không tham gia vòng 6 - vòng đấu cuối cùng.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, một lãnh đạo huyện Sóc Sơn khẳng định, không hề có tình trạng "lộn xộn" như những thông tin ông T chia sẻ, cuộc đấu giá được diễn ra đúng theo quy định, đảm bảo an toàn, trật tự.
"Vừa qua huyện Sóc Sơn đấu giá 3 phiên liên tiếp, tại 2 phiên đấu giá trước diễn ra tốt đẹp với giá trúng phù hợp thị trường, tới phiên ngày 29/11 mới xuất hiện tình trạng trên. Hiện Công an TP Hà Nội đã giao Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn điều tra nguyên nhân sự việc, xem xét dấu hiệu tội gây rối trật tự công cộng. Trường hợp phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho hay.
Cũng theo vị lãnh đạo này, cơ quan công an có thể tiến hành giám định pháp y tâm thần để xác định năng lực hành vi dân sự đối với một số người "phá đấu giá".
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu cơ quan chức năng chứng minh rõ được động cơ "phá đấu giá" thì cần xử lý nghiêm, không loại trừ trường hợp hình sự hóa. Nếu không có hình phạt thích đáng thì rất có thể tình trạng tương tự sẽ còn diễn ra ở các phiên đấu giá tiếp theo. "Đây là những người cố tình coi thường pháp luật, Nhà nước nếu chỉ xử lý hành chính thì khó đủ sức răn đe.", ông Thịnh bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, việc tham gia đấu giá đất và trả với mức giá cao không tưởng có thể gây lũng đoạn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nếu xác định được hành vi gây lũng đoạn hoặc đầu cơ bất động sản thì hiện pháp luật chưa có quy định, chế tài xử lý.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng, hiện thị trường bất động sản đang trong giai đoạn giao thoa giữa luật mới và luật cũ nên có nhiều bất cập, đặc biệt là giá khởi điểm. Theo ông, hiện giá khởi điểm đất đấu giá xác định theo bảng giá đất cũ, chỉ bằng 10% giá đất thị trường hiện tại dẫn tới tiền đặt cọc quá ít. "Nhiều nhóm đầu cơ bất động sản chấp nhận bỏ số tiền rất thấp đặt cọc để tham gia với mục đích trúng sẽ bán chênh hoặc đẩy giá thị trường khu vực", ông Đính chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, để tránh tình trạng "trả giá cho vui", cơ quan chức năng cần có quy định người tham gia đấu giá cũng cần phải chứng minh được năng lực tài chính đáp ứng được mức giá đưa ra. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng trả giá cao rồi đột ngột bỏ cuộc hay một người tham gia đấu giá rất nhiều lô đất chỉ có mục đích chờ bán chênh.
Trước đó, như Báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm đấu giá hợp danh Thanh Xuân tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai (xã Quang Tiến).
Các thửa đất được đem ra đấu giá có diện tích từ 90 - 224m2, với giá khởi điểm 2,4 triệu đồng/m2. Tiền đặt trước đấu giá từng thửa đất bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm đã được phê duyệt, tương đương từ 223 triệu đồng đến gần 550 triệu đồng.
Phiên đấu giá diễn ra bình thường, nhưng đến vòng đấu thứ 5 xảy ra hiện tượng bất thường. Theo đó, hơn 40 lô đất được một nhóm khách hàng trả tới mức giá rất cao, trong đó có 3 lô được trả tới trên 30 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, ngay vòng đấu giá kế tiếp, khách hàng T. này trả giá 0 đồng khiến 3 lô đất này được trả hơn 30 tỷ đồng/m2 bị "treo".