Huyện Phú Giáo: Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề, ngành chức năng huyện Phú Giáo đang tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn hàng hóa thực phẩm phục vụ tết.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật qua địa bàn huyện Phú Giáo
Nguồn cung dồi dào
Tại cơ sở chăn nuôi gà lạnh của anh Phạm Chí Cường, ấp 5, xã Tân Hiệp thời điểm này có hơn 300.000 con gà chuẩn bị xuất bán. Cơ sở chọn phương thức nuôi gia công cho công ty, trung bình một năm xuất khoảng 4 lứa. Đại diện cơ sở này cho biết gà nuôi khoảng 2 tháng rưỡi là có thể xuất bán. Trước khi xuất bán 2 tuần, cơ sở không sử dụng kháng sinh cho gà. Khâu kiểm soát dịch bệnh được cơ sở thực hiện nghiêm ngặt thông qua việc tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh trên đàn gà và cho gà uống các loại vitamin để tăng sức đề kháng; định kỳ sát trùng trong và ngoài trại nuôi gà. Trước khi xuất bán, gà nuôi tại cơ sở được Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch.
Anh Ninh Đức Hậu, ở ấp Tân Tiến, xã Phước Sang, cho hay gia đình anh có 3 trại nuôi heo thịt với tổng đàn 3.600 con. Heo nuôi từ 4 tháng rưỡi đến 5 tháng có thể xuất bán. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán 2 lứa heo. Để bảo đảm an toàn cho đàn heo, gia đình anh rất chú trọng đến công tác phòng dịch, đồng thời tăng cường chế độ dinh dưỡng cho đàn heo.
Cô Trần Thị Mến, có trên 20 năm buôn bán tại chợ Phước Vĩnh (thị trấn Phước Vĩnh), cho hay hiện nay khách hàng rất quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc thực phẩm. Để phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán năm nay, cô nhập thịt heo từ các lò mổ có dấu mộc đỏ bảo đảm bảo an toàn thực phẩm từ cơ quan chức năng. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày cô nhập 200kg thịt heo về bán. Dự kiến 2 ngày sát tết, cô nhập về 400kg thịt heo để bán, vì lúc này nhu cầu mua thịt của người dân tăng mạnh. “Tôi nhập hàng chỉ để bán trong ngày, luôn bảo đảm cung cấp thịt tươi, sạch. Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, khi bán hàng tôi đeo tạp dề; dao, thớt, bàn luôn được giữ sạch sẽ. Tôi cũng tham gia khóa tập huấn về an toàn thực phẩm do huyện tổ chức và được cấp giấy chứng nhận để bán hàng”, cô Mến cho biết thêm.
Theo bà Huỳnh Ngọc Ánh, Trưởng phòng Kinh tế huyện, Phú Giáo đã hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững, từ sản xuất đến tiêu thụ, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Thời gian qua, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào chăn nuôi, đến nay có 204 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ƯDCNC. Tổng đàn heo trên địa bàn huyện gần 470.000 con và hơn 3,6 triệu con gia cầm. Phòng Kinh tế đang phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm tại các trang trại trên địa bàn, trong đó tập trung vào các trang trại có nhiều sản phẩm phục vụ thị trường tết.
Lực lượng chức năng kiểm tra động vật giết mổ tại cơ sở giết mổ heo của anh Bùi Văn Trắc, xã Vĩnh Hòa
Kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm
Ghi nhận tại cơ sở giết mổ heo của anh Bùi Văn Trắc, ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa cho thấy nơi đây được chia thành nhiều phân khu riêng biệt, bao gồm chuồng nuôi heo, nơi mổ treo và khu vực chế biến bộ phận lòng heo. Cơ sở đã đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, không gây mùi hôi và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo để đun nấu. Anh Trắc cho hay mỗi ngày cơ sở giết mổ từ 50 con heo, chủ yếu mổ gia công cho thương lái tại các chợ đầu mối. Tất cả các dụng cụ phục vụ việc giết mổ đều được sát khuẩn. Người lao động ở cơ sở đều được khám sức khỏe định kỳ và được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.
Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện thông tin hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Giáo có 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Bình quân mỗi đêm các cơ sở giết mổ 100 - 110 con heo, khoảng 3.000 con gia cầm. Động vật khi đưa vào cơ sở giết mổ phải khỏe mạnh, có giấy chứng nhận tiêm phòng, chứng nhận kiểm dịch, biên bản kiểm soát vận chuyển. Tại mỗi cơ sở giết mổ đều có cán bộ thú y trực kiểm tra trong quá trình giết mổ. Thịt được đóng dấu xong mới được chuyển ra thị trường, bảo đảm nguồn thực phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và thực hiện bình ổn giá giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tiểu thương các chợ trên địa bàn huyện Phú Giáo dự kiến tăng cường thêm 15-20% (tùy chủng loại) lượng hàng hóa so với ngày thường.
Ông Trần Minh Đức, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo, cho biết để kiểm soát chất lượng thực phẩm đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành y tế, công an kiểm tra việc vận chuyển gia súc, gia cầm đến cơ sở giết mổ, kiểm tra quầy sạp bày bán thịt gia súc, gia cầm tại các chợ, siêu thị... bảo đảm các nguồn sản phẩm từ động vật phải qua kiểm soát của ngành chức năng. Mới đây, trạm phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tổ chức 10 lượt kiểm tra tại các trục đường giao thông chính để kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật, kết quả đã phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm.
Ông Đức cho biết thêm, về công tác phòng chống dịch bệnh, huyện tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm 2 đợt/năm; cùng với đó thực hiện tiêu độc vệ sinh sát trùng cho các cơ sở chăn nuôi. Đối với công tác kiểm soát dịch bệnh, ngành thú y kiểm tra chặt chẽ động vật nhập về địa bàn huyện, bảo đảm động vật phải có kết quả xét nghiệm âm tính với các loại bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch của ngành thú y...