Huyện nghèo Si Ma Cai đi đầu trong xóa nhà tạm, cũ nát ở Lào Cai

Là huyện nghèo theo Chương trình 30a của Chính phủ, bởi địa hình núi cao vực sâu, đất ít đá nhiều, thời tiết khắc nghiệt, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chung sống nhưng Si Ma Cai lại đi đầu trong xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân 'an cư lạc nghiệp' trên vùng núi đá thượng nguồn sông Chảy. Bằng cách nào để Si Ma Cai làm được kỳ tích ấy?

Ông Lừu Sín Mìn, 57 tuổi, dân tộc Thu Lao bên ngôi nhà mới xây khang trang, bền chắc thay thế ngôi nhà cũ bằng đất, ở Đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Ông Lừu Sín Mìn, 57 tuổi, dân tộc Thu Lao bên ngôi nhà mới xây khang trang, bền chắc thay thế ngôi nhà cũ bằng đất, ở Đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Đón Tết trong những ngôi nhà mới

Chúng tôi đến xã biên giới Nàn Sán, huyện biên giới Si Ma Cai (Lào Cai). Cuối đông nhưng sương mù dày đặc trùm phủ cộng thêm với gió núi vùng cao thổi về khiến ai cũng thấy lạnh cắt da thịt, dù đã áo mũ dày cộm.

Bỏ lại xe ô-tô ở trụ sở UBND xã Nàn Sán, chúng tôi đi bộ vào Đội 2. Ngôi nhà hai tầng mới xây còn chưa kịp quét sơn, nhưng ông Lừu Sín Mìn, 57 tuổi, dân tộc Thu Lao cùng vợ chồng con trai và đứa cháu đã dọn về ở.

“Mình dọn về ở sớm để kịp đón Tết. Ăn Tết xong sẽ hoàn thiện nốt phần sân và hàng rào cho cái nhà gọn, đẹp” - ông Mìn tâm sự. Với tay bật công tắc điện, căn nhà sáng choang, rộng rãi, bền chắc và ấm áp hẳn. Mới cách đây mấy tháng thôi, cả 6 người trong gia đình ông Mìn ở trong căn nhà cũ làm bằng gỗ rừng mấy chục năm rồi nên xiêu vẹo, dột nát.

Bản thân tuổi cao, sức khỏe yếu, con và cháu còn nhỏ nên gia đình ông đành chấp nhận nhà ở cũ nát. Nhờ có nguồn tiền hỗ trợ của Nhà nước, cộng với tiền tích lũy của gia đình và người thân, cùng bà con làng xóm hỗ trợ công lao động, gia đình ông Mìn khởi công xây nhà từ tháng 5/2024 đến tháng 12/2024 thì hoàn thành.

 Nhà đất cũ nát của ông Lừu Sín Mìn, 57 tuổi, dân tộc Thu Lao, ở Đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Nhà đất cũ nát của ông Lừu Sín Mìn, 57 tuổi, dân tộc Thu Lao, ở Đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Nhìn ngôi nhà mới hai tầng kiên cố, khang trang ông Mìn không giấu được niềm xúc động: “Tết này vợ con mình được ở trong ngôi nhà xây mới, vui lắm. Ước mơ cả đời bây giờ đã thành hiện thực. Cả nhà mình cảm ơn Đảng, chính quyền địa phương và bà con đã giúp đỡ để có nhà xây vững chắc, không lo mưa to gió lớn và rét lạnh vùng cao nữa”. Ông Mìn dẫn tôi lên tầng 2, rưng rưng thắp nén hương lên ban thờ tổ tiên mừng có nhà mới đón Tết.

Cách đó không xa, anh Ly Văn Tải, người Thu Lao cũng đang gấp rút hoàn thiện ngôi nhà 2 tầng, xây theo kiến trúc truyền thống của người bản địa. Hai vợ chồng anh Tải gửi con cho ông bà nội trông giúp rồi đi làm công nhân ngành nhựa ở Hải Phòng. Tiền tích cóp được cộng với hỗ trợ của Nhà nước và Ngân hàng Chính sách cho vay dài hạn, lãi suất thấp, vợ chống anh quyết định xây nhà kiên cố thay thế nhà tạm dột nát bao năm qua.

Sau 4 tháng thi công, ngôi nhà hai tầng có đủ phòng chức năng đã hoàn thành phần thô. Hôm chúng tôi đến, anh Tải đang cùng tốp thợ người H’Mông lợp mái chống nóng. Anh bảo, sẽ cố gắng hoàn thiện ngôi nhà mơ ước của mình để kịp đón Tết vui xuân Ất Tỵ này.

Đi khắp các xã như Bản Mế, Cán Cấu, Lùng Thẩn, Sín Chéng, Thào Chư Phìn, Nàn Sín…, đâu đâu cũng bộn bề như công trường lớn. Thôn nào cũng xây nhà mới, rộn vang tiếng trộn vữa, đóng cốp pha đổ mái xen trong tiếng cười nói rổn rảng chìm trong mây mù như sương khói.

 Nhà mới xây thay thế nhà tạm bợ, cũ nát của anh Ly Văn Tải, dân tộc Thu Lao, ở Đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Nhà mới xây thay thế nhà tạm bợ, cũ nát của anh Ly Văn Tải, dân tộc Thu Lao, ở Đội 2, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai).

Si Ma Cai đang dồn sức hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhà bị hư hỏng do cơn bão số 3 gây ra để người dân nghèo “an cư lạc nghiệp” trên vùng núi đá ở thượng nguồn sông Chảy. Tết Ất Tỵ sắp đến gần, người dân ở đây như chạy đua từng ngày để kịp đón Tết trong những ngôi nhà mới ấm áp, bền đẹp.

Bám sát dân, phân loại đúng đối tượng để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả nhất

Ngay sau khi Tỉnh ủy Lào Cai ban hành nghị quyết về xóa nhà tạm, nhà dột nát, Huyện ủy Si Ma Cai thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban để trực tiếp chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc thực hiện ở các xã, thị trấn.

Vốn đã khó khăn, lại thêm hoàn lưu bão số 3 gây lũ quét và sạt lở đất làm sập đổ hoàn toàn và hư hỏng hàng trăm nhà ở của dân, khiến khó khăn chồng chất thêm.

Ban chỉ đạo xóa nhà tạm huyện Si Ma Cai đưa ra giải pháp bám sát dân, phân loại đúng đối tượng để gỡ khó, hỗ trợ hiệu quả nhất. Huyện ủy phân công từng đồng chí trong Thường trực, Thường vụ huyện ủy chịu trách nhiệm từng khu vực, từng xã.

Cụ thể, Ban chỉ đạo huyện phân ra bốn nhóm nguyên nhân gây khó khăn trong công tác xóa nhà tạm là: Nhóm thiếu vốn đối ứng, nhóm thiếu đất, nhóm có yếu tố tâm linh (không hợp tuổi làm nhà) và nhóm hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bí thư Huyện ủy Hà Đức Minh giải thích rằng, phân loại cụ thể như vậy để tìm cách tháo gỡ và hỗ trợ phù hợp nhất, hiệu quả nhất.

Hôm chúng tôi đến các xã Nàn Sán và Quan Hồ Thẩn tìm hiểu cách huy động cả hệ thống chính trị “xắn tay áo” cùng toàn dân vào cuộc xóa nhà tạm, mới thấy sức mạnh của sự đoàn kết, chung sức đồng lòng xóa nghèo đói, xây dựng nông thôn mới ở đây.

Hộ anh Thào Seo Dỉ, dân tộc H’Mông, 48 tuổi ở thôn Sín Chải, xã Quan Hồ Thẩn, thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ tiền xóa nhà tạm nhưng thiếu đất để khởi công xây nhà.

Đồng cảm và chia sẻ với anh Dỉ, bà con trong thôn đã đổi đất cho anh Dỉ xây nhà, bảo đảm an toàn và thuận tiện đi lại. Vào ở trong ngôi nhà mới xây mà vẫn ngỡ như mơ.

Anh bảo, bao nhiêu năm ở nhà chật chội, ẩm thấp, gia đình anh lo thấp thỏm mỗi khi mưa to gió lớn, Tết này có nhà mới kiên cố, rộng rãi nên vui nhiều lắm.

Hay như hộ ông Dì Văn Thiện, ở thôn Đội 1, xã Nàn Sán, do nhận thức còn hạn chế, nên ông nhất quyết không động thổ xây nhà sợ ảnh hưởng sức khỏe, làm ăn của con cháu mà đợi chọn ngày tốt, gọi là “được tuổi” mới làm nhà mới. Bằng cách “mưa dầm thấm lâu”, thông qua người già có uy tín giải thích và làm “lễ giải” tượng trưng, rút cục anh Thiện đã hiểu ra, vui vẻ, tâm lý thoải mái khởi công đào móng xây nhà theo kế hoạch của xã.

Đưa chúng tôi đến xã Sán Chải, Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Si Ma Cai Đỗ Ngọc Đoàn khoe rằng, đây là địa phương đi đầu trong toàn huyện về xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Toàn xã có 14 hộ đang sống trong những ngôi nhà tạm bợ, cũ nát cần phải thay thế để bảo đảm 3 cứng. Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Nghị cho biết, xã lên kế hoạch cụ thể, chi tiết từng nhà, ngày khởi công, thời gian hoàn thành rồi cắt cử cán bộ, đảng viên trong các chi bộ thôn hỗ trợ từng nhóm liên gia lập tổ đổi công xây nhà cho nhau, nhờ thế tiết kiệm tiền công xây.

Ngay như việc vận chuyển gạch từ đường trục lên đồi cao, bà con làm cái “máng” cũng rất sáng tạo, chỉ là mấy mảnh gỗ đóng hình cái máng, buộc chặt vào sau xe máy rồi xếp lên 50-60 viên gạch bằng chằn chặn, chạy băng băng theo đường liên gia bê tông đến từng nhà, thay cho địu lù cở nặng đến cháy lưng rộp vai như trước đây.

Chỉ sau 3 tháng ra quân, Sán Chải hoàn thành xóa nhà tạm đầu tiên trong huyện, về đích trước 3 tháng so với mốc thời gian huyện giao. Thế mới biết sức dân là rất lớn, rất mạnh. Chỉ cần khơi thông, chung dòng chảy là cuồn cuộn như triều dâng thác đổ băng qua mọi thác ghềnh dù gian khó đến đâu chăng nữa…

Theo Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai Hà Đức Minh, trong giai đoạn 2021-2025, toàn huyện có khoảng 1.182 nhà tạm, dột nát. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện đã huy động nguồn lực hơn 137 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm cho người dân địa phương, trong đó vốn Nhà nước là hơn 40 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2024, huyện vừa thực hiện nhiệm vụ kép, vừa xóa nhà tạm vừa khắc phục nhà bị sập đổ, hư hại do bão số 3 làm sập hoàn toàn 80 nhà, 21 nhà bị hư hại và 91 hộ phải di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Như vậy, tổng số là hơn 628 nhà, trong đó xây mới 458 nhà, sửa chữa 170 nhà.

Si Ma Cai là huyện đi đầu trong xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Lào Cai, về đích trước 5 tháng so với mốc thời gian tỉnh giao và 11 tháng so với mốc Thủ tướng Chính phủ giao.

Si Ma Cai là huyện đi đầu trong xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Lào Cai, về đích trước 5 tháng so với mốc thời gian tỉnh giao và 11 tháng so với mốc Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong câu chuyện về xóa nhà tạm, Bí thư Minh cho rằng địa phương đã thực hiện đồng bộ, có kết quả 3 giải pháp, đó là: Huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn bản vào cuộc có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí Thường vụ huyện ủy và Huyệ̣n ủy viên, từng đảng viên ở chi bộ thôn bản; lập các Tổ công tác “đến từng ngõ rõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động thực hiện, tháo gỡ khó khăn kịp thời để bảo đảm tiến độ đề ra.

Yếu tố then chốt là phân loại các nhóm nguyên nhân khó khăn để có biện pháp gỡ khó khả thị và hiệu quả cao. “Bài học rút ra ở đây là lãnh đạo sâu sát, tuyên truyền vận động thông suốt, xây dựng kế hoạch cụ thể sát thực tế, huy động tốt nguồn lực tổng hợp và phân cấp mạnh cho cơ sở thực hiện”, Bí thư Hà Đức Minh khẳng định.

 Bộ Công an hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây nhà mới thay thế nhà cũ nát cho gia đình ông Giàng Seo Vần, ở thôn Lao Chải, xã Sán Chải (Si Ma Cai - Lào Cai).

Bộ Công an hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây nhà mới thay thế nhà cũ nát cho gia đình ông Giàng Seo Vần, ở thôn Lao Chải, xã Sán Chải (Si Ma Cai - Lào Cai).

Mùa xuân này, hàng trăm gia đình trên vùng núi đá Si Ma Cai có niềm vui lớn được đón Tết trong những ngôi nhà xây khang trang, bền đẹp. Đó là kết quả của chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân văn sâu sắc, để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Hàng trăm hộ nghèo có nơi an cư lạc nghiệp, thêm động lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, xây dựng nông thôn mới đẹp giàu trên vùng núi đá ở thượng nguồn sông Chảy.

Bài và ảnh: QUỐC HỒNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/huyen-ngheo-si-ma-cai-di-dau-trong-xoa-nha-tam-cu-nat-o-lao-cai-post856943.html
Zalo