Huyện Nga Sơn: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp và du lịch

Nga Sơn là huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hóa, gồm 23 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã nằm dọc theo chiều dài 20 km ven biển, tạo phù sa màu mỡ với tiềm năng phát triển nông nghiệp và kinh tế biển. Đây là vùng đất cổ, nhưng lại đang có thế mạnh của sự trẻ trung, năng động…

Nga Sơn ngày một khang trang, sạch đẹp. (Nguồn: kiemsat.vn)

Nga Sơn ngày một khang trang, sạch đẹp. (Nguồn: kiemsat.vn)

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Nga Sơn khóa XXIII xác định 3 chương trình trọng tâm. Cụ thể là: Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này, Đảng bộ huyện Nga Sơn đã triển khai các giải pháp thực hiện sát với tình hình thực tế của địa phương, từ đó, gặt hái được những kết quả ấn tượng.

Điểm sáng phát triển công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp

Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021-2023 của huyện Nga Sơn đạt 17,5%.

Về lĩnh vực may mặc và sản xuất đồ chơi trẻ em, tính đến 30/4/2023, trên địa bàn huyện đã thu hút được 4 nhà máy may công nghiệp và 1 nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em, tạo công ăn việc làm cho trên 10.050 lao động; có mức lương thu nhập ổn định bình quân 5.000.000 đồng/người/tháng.

Về lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, toàn huyện hiện có khoảng 30 đơn vị sản xuất vật liệu xây không nung với tổng công suất khoảng 50 triệu viên/năm. Công ty TNHH thương mại Phú Sơn đẩy mạnh sản xuất cát nhân tạo từ nguyên liệu đá với công suất năm đạt 80.000 m3, năm đảm bảo cung ứng cho các công trình trên địa bàn.

Về phát triển cụm công nghiệp, tại Quyết định số 2888/QĐ-UBND, ngày 09/8/2017 UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp (CNN) tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; huyện Nga Sơn được quy hoạch 3 cụm: cụm làng nghề liên xã Thị trấn; cụm công nghiệp Tư Sy; cụm công nghiệp Tam Linh.

Trong đó: CCN làng nghề liên xã thị trấn, diện tích 7,0 ha đã đi vào hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy 100%; CCN Tam Linh diện tích 37,07 ha đã lựa chọn được được nhà đầu tư hạ tầng tại Quyết định số 4517 QĐ-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa là Công ty TNHH FDI Nga Sơn; CCN Tư Sy diện tích 12,4 ha đã lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng tại Quyết định số 4370/QĐ-UBND ngày 14/10/2020, điều chỉnh tại Quyết định số 2274/QĐ-UBND ngày 28/6/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa là Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Hoàng Long.

Về phát triển Tiểu thủ công nghiệp (TTCN), tính đến ngày 30/4/2022, có13 doanh nghiệp tiếp tục duy trì và ổn định nghề sản xuất kinh doanh các mặt hàng từ nguyên liệu cói; 15.032 hộ sản xuất TTCN đạt 20,8% so với tổng số hộ trên địa bàn huyện. Các làng nghề phát triển đã tạo thêm được nhiều việc làm mới; một số doanh nghiệp đã mạnh dạn tập trung đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm bạn hàng, du nhập và nhân cấy một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ mới theo đơn đặt hàng của khách; một số mặt hàng đã được xuất khẩu đi các nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc....

Bức tranh du lịch đa sắc

Nga Sơn là huyện giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, với nhiều tiềm năng thế mạnh về phát triển du lịch. Vùng quê Nga Sơn hội tụ rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng gắn với những câu chuyện huyền thoại như sự tích Mai An Tiêm và quả dứa hấu đỏ; Từ Thức gặp Giáng Hương; chùa Tiên xứ Phật cõi trần, cảnh đẹp hồ Đồng Vụa; chùa Thạch Tuyền; chùa Bạch Tượng. Dọc đôi bờ sông Hoạt theo dãy núi Tam Điệp còn có nhiều cảnh quan kỳ thú như động Lục Vân, động Trúc Sơn, cửa Thần Phù, núi Bia Thần, núi Lã Vọng…

Toàn huyện có 285 di tích, có 49 di tích được xếp hạng (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 42 di tích cấp tỉnh, 8 di tích lịch sử cách mạng); 24 lễ hội truyền thống gắn với lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận, trong đó có lễ hội Mai An Tiêm được huyện tổ chức hằng năm.

Cùng với di tích, lễ hội, Nga Sơn còn biết đến với nhiều làng nghề và các sản phẩm tiêu biểu như sản phẩm thủ công mỹ nghệ chiếu, cói; các sản phẩm ẩm thực nổi tiếng như gỏi cá nhệch, rượu nếp Nga Sơn, dê núi ủ trấu; các sản phẩm dưa lưới Vạn Hoa, rượu đông trùng hạ thảo; dưa hấu Mai An Tiêm; mắm tôm, mắm tép Bạch Câu. Nhiều công trình văn hóa tôn giáo có giá trị như chùa Hàn Sơn (Nga Điền); chùa Tiên (Nga An); chùa Bạch Tượng (Nga Giáp)... cũng là điểm đến tham quan tâm linh hấp dẫn du khách.

Huyện Nga Sơn: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp và du lịch

Huyện Nga Sơn: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp và du lịch

Với những giá trị đặc trưng riêng về văn hóa, lịch sử, các làng nghề, ẩm thực đã tạo nên một bức tranh du lịch đa sắc, là nguồn lực quan trọng để Nga Sơn khai thác, phát triển du lịch.

Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về du lịch, di sản văn hóa của huyện Nga Sơn đã được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội, làng nghề truyền thống đã và đang được phát huy, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của Nhân dân, từng bước trở thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn, thu hút ngày càng đông khách du lịch.

Huyện đã xây dựng cụm pano ảnh giới thiệu tại các di tích trọng điểm trên địa bàn; chỉ đạo hoàn thành, nghiệm thu dự án lắp đặt hệ thống chiếu sáng, cải tạo rào chắn, lối đi đảm bảo an toàn cho khách du lịch đến động Từ Thức (xã Nga Thiện); đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch. Năm 2023, du khách đến với huyện Nga Sơn ước tính hơn 67.880 lượt khách (chủ yếu là khách tham quan thắng cảnh, tham gia lễ hội, tâm linh, ẩm thực...); tổng thu du lịch ước đạt 4 tỷ 250 triệu đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2024, Nga Sơn ước đón hơn 11.540 lượt khách.

Để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, huyện Nga Sơn đang xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2024-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là căn cứ quan trọng xác định hướng phát triển du lịch của huyện; đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư vào các điểm di tích trọng điểm trên địa bàn; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch lịch sử, về nguồn, du lịch làng nghề trên địa bàn huyện; nâng cao chất lượng, số lượng dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thời gian tới, Nga Sơn sẽ phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên; khai thác các nguồn lực tại chỗ, tạo điều kiện lợi thuận để thu hút nguồn lực; kinh phí của các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất công nghiệp, TTCN bên ngoài để tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nông nhàn trong nông thôn. Qua đó, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; gắn phát triển các cụm Công nghiệp, làng nghề, điểm du lịch với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường bền vững theo mục tiêu mà Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIII đã đề ra.

Xuân Hùng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/huyen-nga-son-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-gan-voi-cong-nghiep-nhe-tieu-thu-cong-nghiep-va-du-lich-276250.html
Zalo