Huyện Mỹ Xuyên thực hiện tốt tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới
Xác định Tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí 13) trong xây dựng nông thôn mới là một tiêu chí quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thời gian qua huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để thực hiện hiệu quả tiêu chí này, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Để hiện thực hóa tiêu chí 13, huyện Mỹ Xuyên đã tập trung chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy mô sản xuất nông nghiệp sang tập trung, duy trì mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa, đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác với doanh nghiệp, nhằm tạo ra chuỗi giá trị nông sản chất lượng, có giá trị cao. Ngoài ra, huyện tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác; thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân… qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của HTX, tổ hợp tác và người dân.
Từ thụ động trong sản xuất, kinh doanh, đến nay nhiều HTX đã biết phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển, trở thành những HTX tiêu biểu của địa phương. Trong số đó phải kể đến HTX Nông ngư 14/10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 (huyện Mỹ Xuyên). Được thành thành lập vào năm 2004, hoạt động đúng Luật HTX năm 2023, hiện tại HTX có 24 thành viên, tổng số vốn điều lệ là 350 triệu đồng. Các thành viên mạnh dạn đầu tư áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, góp phần giảm tỷ lệ tôm thiệt hại, hằng năm HTX thu được 100 tấn tôm, lợi nhuận 3,9 tỷ đồng và đã được chứng nhận ASC.
Bên cạnh đó, HTX liên kết đầu vào với 2 công ty tôm giống và liên kết với 2 công ty thức ăn, đồng thời liên kết tiêu thụ sản phẩm với giá bán cao hơn thị trường tại thời điểm thu hoạch từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Chính nhờ hoạt động liên kết đầu vào và đầu ra hằng năm mang lại lợi nhuận cho HTX khoảng 350 triệu đồng. Qua đó, làm tiền đề cho HTX sản xuất theo hướng có hợp đồng liên kết đầu vào và đầu ra ổn định, góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến và thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trước đây, các thành viên của HTX Nông ngư Hòa Đê, ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú 1 (huyện Mỹ Xuyên) cùng liên kết với nhau chỉ để sản xuất mô hình nuôi tôm, trồng lúa. Dần về sau, HTX tận dụng nguồn cá rô phi có sẵn trong ao, không có giá trị thành những sản phẩm OCOP 3 sao gồm: chả cá, khô và chà bông. Theo anh Mã Văn Hồng - Giám đốc HTX Nông ngư Hòa Đê, hiện HTX liên kết cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm dịch đạm cá cô đặc được làm từ cá rô phi (nguyên liệu chính) và các loại cá khác tại địa phương. Đây là sản phẩm hữu cơ có thể sử dụng bón cây ăn trái, rau màu và cho lúa.
“Những con cá rô phi nhỏ sẽ bị loại bỏ khi làm chả, khô và chà bông thì nay sẽ được sử dụng sản xuất ra dịch đạm cá. Hiện mỗi tháng, HTX thu mua khoảng 10 tấn cá các loại, 1,5 - 2 tấn tôm để sản xuất tôm sấy dẻo, bánh phồng tôm, muối tôm”, anh Hồng thông tin. HTX Nông ngư Hòa Đê hiện có 49 thành viên cùng liên kết sản xuất tôm lúa và thực hiện chế biến nông sản thành những sản phẩm có giá trị, nhờ đó đời sống của các thành viên đều nâng cao, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ổn định cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
HTX Sản xuất lúa Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) không chỉ hợp tác cùng sản xuất mà còn hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang, với diện tích 200ha/năm, giá cao hơn thị trường tại thời điểm thu hoạch từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/2 vụ lúa/năm.
Bên cạnh việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, huyện Mỹ Xuyên còn duy trì mô hình tôm - lúa, vận động người dân chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 244 triệu đồng. Đồng chí Lê Văn An - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 2 cho biết, ngoài duy trì hiệu quả mô hình tôm lúa, địa phương vận động người dân nuôi tôm càng xanh, cá lóc luân canh với cây lúa, cho lợi nhuận khoảng 60% trên tổng chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, xã phát triển mô hình nuôi bò thịt, trồng màu trên bờ bao… Qua đó giúp người dân cải thiện thu nhập, hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 0,2% (tương đương 8 hộ), thu nhập bình quân đầu người đạt 74 triệu đồng/người/năm.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên:
Tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, ngoài đạt chỉ tiêu HTX hoạt động hiệu quả và có liên kết theo chuỗi giá trị ổn định thì có 8 chỉ tiêu khác phải đạt như: có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn; có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, hoặc mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, hoặc mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm… Các chỉ tiêu này đều được địa phương quan tâm thực hiện tốt. Đến nay, toàn huyện có 8/8 xã (đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu) đạt tiêu chí 13 theo quy định.
Nhờ phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, huyện Mỹ Xuyên phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó giúp kinh tế - xã hội tại các địa phương ngày thêm khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Đây là nền tảng vững chắc để huyện cán đích nông thôn mới nâng cao, đồng thời tự tin đưa ra các giải pháp tiếp tục nâng chất các tiêu chí để sớm về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai gần.