Huyện miền núi Sơn Động, Bắc Giang dồn toàn lực khắc phục hậu quả mưa lũ
Ngay sau khi bão số 3 đi qua, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) đã khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định, phục hồi lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Nằm sâu trong những con đường khúc khuỷu, gập ghềnh của vùng miền núi, ngôi nhà tuềnh toàng của bà Hoàng Thị Thúy 64 tuổi ở xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã bị nước lũ tàn phá tan hoang, làm hư hỏng mọi vật dụng trong ngôi nhà.
Bà Thúy cho biết, hồi nhỏ do mắc cơn bão bệnh khiến đôi chân không thể đi lại được như những người bình thường, nên giờ chỉ phụ thuộc vào người con nuôi từ hồi nhỏ. Hiện giờ người con đã đi lấy chồng và bà phải một thân một mình chăm sóc bản thân. Tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua, thế nhưng cơn bão số 3 đã tạo dòng nước lũ phá nát ngôi nhà cũ khiến bà phải đi ở nhờ nhà người thân. Những ngày qua, bà Thúy phải sống nhờ vào sự hảo tâm, giúp đỡ của mọi người.
“Mặc dù cơn bão số 3 đã đi qua nhưng nó đã ảnh hưởng gây thiệt hại nặng nề rất lớn đối với tôi. Tôi chỉ có mỗi căn nhà để cư trú thì bây giờ bị cơn bão thổi bay mất mái không thể sinh sống, may sao được chính quyền địa phương và bà con nhân dân hỗ trợ cho trú tạm đến khi nào khắc phục xong thì có thể quay lại cuộc sống bình thường” – bà Thúy nghẹn ngào nói.
Cũng có hoàn cảnh éo le không kém bà Thúy, bà Nguyễn Thị Ngọc, ngoài 60 tuổi, ở tổ dân phố Đình, thị trấn An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang một mình bần thần bên ngôi nhà lụp xụp cũ nát bị nước lũ làm cho tan hoang, trơ trụi.
Bà Ngọc chia sẻ, mặc dù sống tại địa phương mấy chục năm tuổi đời rồi mà chưa bao giờ gặp cơn bão khủng khiếp bão số 3 vừa qua, cây xanh thì bị quật ngã, bật gốc khắp nơi, nhà cửa an tành hết.
“Nhà cửa thì bị đất đổ xuống, đồ đạc trong gia đình thì bị cuốn trôi phăng đi hết. May mắn là bản thân tôi vẫn thoát được ra ngoài khi nhận được thông tin cảnh báo kịp thời, lúc đó tôi chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo để tránh trú bão. Nhìn căn nhà nhỏ bao năm nỗ lực cố gắng mới dựng lên được, giờ nhìn thấy tan hoang như vậy khiên tôi không biết phải sống sao nữa!”- bà Ngọc nói với đôi mắt đỏ hoe.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Nguyễn Văn Hòe – Chủ tịch UBND xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cho biết, sau cơn bão số 3 xã có khoảng 60 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái hoàn toàn ảnh hưởng trực tiếp sâu rộng đến đời sống của bà con nhân dân.
“Do địa bàn là vùng đồi núi hiểm trở nên thiệt chủ yếu về cây nông, lâm nghiệp của bà con nhân dân với khoảng 500ha. Hiện chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp cùng với các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp người dân khắc phục hậu quả, nhằm sớm ổn định lại cuộc sống bình thường”- ông Hòe nói.
Ông Ngụy Văn Tuyên - Bí thư Huyện ủy Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua huyện Sơn Động đã tập trung khắc phục hậu quả nhằm nhanh chóng ổn định, phục hồi lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
“Về nhu yếu phẩm trong sinh hoạt, ngay từ khi cơn bão số 3 chuẩn bị ập đến, với phương châm tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước sạch để sử dụng, chúng tôi đã chủ động thực hiện qua các kênh xã hội hóa nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người dân trên địa bàn", ông Tuyên thông tin.
Hiện, huyện Sơn Động đang tập trung cao độ cho việc khắc phục hạ tầng giao thông, trường học do bị ảnh hưởng của cơn bão đi qua. Đến thời điểm hiện tại toàn bộ hệ thống giao thông cơ bản được thông suốt, trường học đã đủ điều kiện để đi vào hoạt động từ ngày 11/9.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sơn Động, cơn bão số 3 đi qua có 700 hộ dân, 29 trường học, 3 Trụ sở UBND và 1 trụ sở công an thị trấn bị hư hỏng và tốc mái, 8 nhà văn hóa, 2 trạm y tế bị tốc mái nhà và 754 hộ ngập nước; di dời 421 hộ dân đến nơi an toàn (hiện nay đã có một số hộ về nhà an toàn).
1.406 ha lúa và hoa mầu, 349 ha cây ăn quả bị gẫy đổ, ngập úng; 21.963 ha cây keo và bạch đàn đổ, gãy; 28.794 con gia cầm trôi, chết.
Hiện, lãnh đạo huyện Sơn Động tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương thực hiện các phương án di dời nhân đân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn hồ đập; khẩn trương khắc phục xong các sự cố đã xảy ra; động viên thăm hỏi, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho một số hộ gia đình có người bị thương, nhà hư hỏng, tốc mái, ngập úng; thu dọn cây cối bị đổ, gãy.
Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa và khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ trên địa bàn về tài nguyên, khoáng sản, môi trường.