Huyện Mai Châu: Phát huy vai trò của nông dân các dân tộc thiểu số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Giai đoạn 2021-2024, thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án

Giai đoạn 2021-2024, thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 61), lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện Mai Châu có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống của hội viên nông dân các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên; vị trí, vai trò của HND được củng cố.

Sản phẩm OCOP 3 sao - trà Thành Ngạnh của Hợp tác xã Hương Xuân, xã Mai Hịch (Mai Châu) được quảng bá, kết nối tiêu thụ thông qua Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình.

Sản phẩm OCOP 3 sao - trà Thành Ngạnh của Hợp tác xã Hương Xuân, xã Mai Hịch (Mai Châu) được quảng bá, kết nối tiêu thụ thông qua Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình.

Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) tạo việc làm cho nhiều lao động nữ người dân tộc Thái.

Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) tạo việc làm cho nhiều lao động nữ người dân tộc Thái.

Bám sát Nghị quyết số 04 -NQ/ HNDTW, ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành HND Việt Nam về việc đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tháng 8/2024, Chi hội "Dệt, thêu, may thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái" tại Hợ tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu được thành lập. Bà Vì Thị Oanh, Chủ tịch HND xã Chiềng Châu cho biết: Chi hội được thành lập theo nguyện vọng của chị em tại Tổ dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái và chị em làm nghề dệt truyền thống ở các xóm trong xã. Chi hội đang có 17 thành viên là phụ nữ người dân tộc Thái. Các thành viên tiếp tục phát huy kết quả tích cực của tổ hội nghề nghiệp, tận dụng tiềm năng, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa các hội viên có cùng đam mê nghề dệt truyền thống. Qua đó vừa khôi phục nghề truyền thống, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên.

Thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện Đề án 61 đã tạo điều kiện cho các cấp HND huyện đổi mới phương thức hoạt động theo hướng ngày càng sâu sát với cơ sở, nâng cao chất lượng hội viên, phát triển tổ chức hội ngày càng thực chất, hiệu quả. Trong đó, phải kể đến hoạt động dạy nghề cho nông dân nông thôn. Ba năm qua (2021-2024), các cấp HND huyện đã tổ chức 25 lớp dạy nghề cho 800 hội viên; phối hợp tổ chức gần 100 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.800 lượt hội viên, góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình.

Thực hiện đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp hội đã vận động và quản lý trên 5.489 triệu đồng quỹ. Từ nguồn quỹ, các cấp hội xây dựng mô hình, dự án, hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và liên kết tạo vùng sản xuất hàng hóa. Đến nay, đã có 19 dự án được giải ngân với 155 hộ vay. Hoạt động tín chấp vốn với các ngân hàng được chú trọng nhằm tạo thêm cơ hội giúp nông dân mở rộng các mô hình kinh tế. HND huyện đang quản lý vốn ủy thác của 3 ngân hàng (Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng Liên Việt) với tổng dư nợ trên 348 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và được kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Nông dân có thêm cơ hội phát triển kinh tế, đồng nghĩa phong trào xây dựng NTM tại các cơ sở hội được triển khai hiệu quả. HND các xã, thị trấn vận động cán bộ, hội viên hiến gần 3.760 m2 đất làm đường giao thông và các công trình phúc lợi; góp trên 530 triệu đồng và ngày công xây dựng, tu sửa các công trình công cộng. Những việc làm thiết thực này góp phần cùng huyện thực hiện các tiêu chí NTM. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 5 vườn mẫu…

Đồng chí Phạm Thế Anh, Chủ tịch HND huyện Mai châu cho biết: Gần 90% dân số của huyện là người dân tộc thiểu số, trong đó trên 9.300 người dân tộc thiểu số tham gia tổ chức HND các cấp. Việc thực hiện Đề án 61 đã góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với công tác giảm nghèo. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế được triển khai hiệu quả mang lại thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và tạo việc làm cho lao động nông thôn địa phương. Chất lượng tổ chức hội ngày càng được nâng lên; số cơ sở hội khá, vững mạnh hàng năm đạt trên 85%, không có cơ sở yếu, kém; các chi, tổ hội ngày càng mở rộng.

Thời gian tới, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 61, HND huyện tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, dịch vụ, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án đã ký kết với các sở, ban, ngành liên quan để giúp nông dân phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao quy mô sản xuất, hình thành các liên kết, phát triển kinh tế trang trại; hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất...

Hải Đăng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/193949/huyen-mai-chauphat-huy-vai-trocua-nong-dan-cac-dan-toc-thieu-so-tr111ng-phat-trien-nong-nghiep,-nong-thon.htm
Zalo