Huyện Mai Châu khai thác giá trị nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mông

Huyện Mai Châu có 2 xã đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung là Hang Kia, Pà Cò. Nơi đây cách trung tâm huyện khoảng 40 km, địa hình đồi núi cao với hầu hết khu vực nằm ở độ cao trên 500 m so với mực nước biển, đỉnh cao nhất 1.500 m nằm ở phía Tây Bắc của Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò. Từ bao đời nay, đồng bào Mông cùng nhau gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Người phụ nữ Mông miệt mài bên khung cửi dệt để giữ lại tinh hoa văn hóa dân tộc trên những tấm thổ cẩm đậm bản sắc.

Huyện Mai Châu có 2 xã đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung là Hang Kia, Pà Cò. Nơi đây cách trung tâm huyện khoảng 40 km, địa hình đồi núi cao với hầu hết khu vực nằm ở độ cao trên 500 m so với mực nước biển, đỉnh cao nhất 1.500 m nằm ở phía Tây Bắc của Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò. Từ bao đời nay, đồng bào Mông cùng nhau gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Người phụ nữ Mông miệt mài bên khung cửi dệt để giữ lại tinh hoa văn hóa dân tộc trên những tấm thổ cẩm đậm bản sắc.

Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người phụ nữ dân tộc Mông ở xã Hang Kia (Mai Châu) tạo nên những bộ trang phục mang đậm bản sắc dân tộc.

Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, người phụ nữ dân tộc Mông ở xã Hang Kia (Mai Châu) tạo nên những bộ trang phục mang đậm bản sắc dân tộc.

Chị Sùng Y Múa ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia tự hào giới thiệu: Để làm nên một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông, người phụ nữ cần rất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi vừa khéo léo vừa kiên nhẫn, chăm chỉ, chịu khó. Các công đoạn đều phải làm thủ công, từ trồng lanh, thu hoạch, bóc tách sợi, giã sợi, quay sợi, nấu sợi, đến dựng khung cửi và dệt thành những tấm thổ cẩm đậm bản sắc dân tộc. Những bộ trang phục đậm sắc màu thổ cẩm được hình thành theo năm tháng nhọc nhằn của người phụ nữ Mông. Mỗi họa tiết, hoa văn đều thể hiện những khát vọng tốt đẹp, mang bản sắc văn hóa rất riêng của đồng bào Mông.

Đến Hang Kia, Pà Cò, không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Mông trên đường đi làm, đi chợ phiên... lưng đeo lù cở, vừa đi vừa dẻo tay nối các sợi lanh thành cuộn. Với bản tính chăm chỉ, cần cù, phụ nữ Mông thường tranh thủ dệt vải vào bất cứ khi nào rảnh rỗi. Khi hoàn thành miếng vải, họ tiếp tục luộc trong nước tro lọc rồi lại giặt phơi khô vài lần để vải trắng, mềm ra và mặt vải trở nên bóng mịn. Từ tấm vải lanh trắng tinh, người phụ nữ sẽ vẽ bằng sáp ong những đường hoa văn hình học theo ý muốn, sau đó mới đem nhuộm chàm và dùng chỉ nhiều màu sắc thêu hoa văn họa tiết cầu kỳ, sặc sỡ. Công đoạn này thường kéo dài khoảng 1 tháng. Sau khi hoàn thiện, những tấm vải thổ cẩm sẽ được người phụ nữ tự tay mang đi may thành những bộ trang phục truyền thống đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Những sản phẩm đa dạng làm từ vải thổ cẩm truyền thống được phụ nữ dân tộc Mông bày bán tại chợ cụm xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu).

Trước đây, vải thổ cẩm của người Mông ở Hang Kia, Pà Cò chủ yếu dùng để may trang phục hàng ngày của các thành viên trong gia đình. Dần dần, theo xu hướng phát triển của cuộc sống, đặc biệt là khi mảnh đất và con người nơi đây bắt đầu biết khai thác những giá trị đặc sắc để làm du lịch, nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm đã trở thành hàng hóa, tạo thêm sức hút cho du lịch bản Mông.

Ghi nhận vài năm gần đây, đường từ trung tâm huyện Mai Châu lên 2 xã Hang Kia, Pà Cò khá thuận tiện đã góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, tạo thêm cơ hội cho đồng bào Mông đưa sản phẩm dệt thổ cẩm vươn xa. Đặc biệt, khai thác lợi thế về du lịch, Hang Kia, Pà Cò trở thành điểm du lịch hấp dẫn với dấu ấn ngày càng nổi bật trên bản đồ du lịch huyện Mai Châu. Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống theo đó được định hình, phát triển trong cộng đồng dân tộc Mông. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn 2 xã vẫn còn lưu giữ và duy trì hoạt động của hàng trăm khung dệt, cùng hàng trăm máy may tại các gia đình. Một số người đã đầu tư hàng chục máy may công nghiệp để sản xuất các mặt hàng từ vải thổ cẩm như Vàng Y Dánh, xóm Hang Kia, xã Hang Kia đã mạnh dạn vay vốn đầu tư 7 máy may công nghiệp để sản xuất các sản phẩm từ thổ cẩm. Hay Sùng Y Múa đã đưa các sản phẩm được làm từ thổ cẩm đến với bạn bè, khách du lịch trong và ngoài nước thông qua hoạt động quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng...

Đây cũng là hướng đi phù hợp mà huyện Mai Châu xác định cần đẩy mạnh triển khai tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò trong khuôn khổ thực hiện Dự án 6 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vủng đổng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện. Theo đó, bằng cách khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đồng bào Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò sẵn sàng cùng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong toàn huyện.

Khánh An

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/194193/huyen-mai-chau-khai-thac-gia-tri-nghe-det-tho-cam-truyen-thong-cua-dan-toc-mong.htm
Zalo