Huyện Lương Sơn: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện Dự án

Thực hiện Dự án "Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Lương Sơn đã mở 27 lớp đào tạo nghề với 763 học viên. Trong đó, ngân sách huyện mở 3 lớp với 73 học viên; ngân sách trung ương mở 24 lớp với 690 học viên. Đến hết tháng 8/2024, trung tâm đã mở được 11 lớp với 314 học viên.

Học viên học nấu ăn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Lương Sơn.

Học viên học nấu ăn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Lương Sơn.

Chương trình luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, hướng dẫn chuyên môn của Sở LĐ-TB&XH, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn và doanh nghiệp trong thực hiện, tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học nghề. Chế độ, chính sách hỗ trợ người học phù hợp thực tiễn. Sau khi được đào tạo, trên 80% người đã có việc làm tại các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc sản xuất tại gia đình, gia công sản phẩm cho các doanh ngiệp. Thu nhập bình quân người lao động sau đào tạo từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng. Điển hình như gia đình các chị: Bùi Thị Thùy Dung, Nguyễn Thị Khánh ở thôn Vệ An, xã Thanh Cao làm nghề may công nghiệp; chị Bạch Thị Liên, Nguyễn Thị Tươi, Nguyễn Thị Lựng ở xóm Sòng, xã Liên Sơn làm nghề đan lát thủ công...

Đồng chí Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Lương Sơn cho biết: Theo kết quả khảo sát hàng năm, huyện Lương Sơn có 400 – 600 người trong độ tuổi cần đào tạo nghề. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề ở huyện còn những bất cập như đội ngũ giáo viên nghề thiếu; hiện nay chỉ có 3 giáo viên cơ hữu thuộc lĩnh vực đào tạo nghề. Việc mời giáo viên thỉnh giảng mức chi trả thực tế yêu cầu cao trong khi mức theo định khá thấp. Trong công tác tuyển sinh, lao động luôn biến động, thiếu bền vững. Tâm lý của người lao động và gia đình còn e ngại, chưa mạnh dạn đăng ký tham gia học nghề, thay đổi. Số người trong độ tuổi đào tạo thường đi làm ăn xa hoặc đi làm bán thời gian. Mục tiêu, động cơ của một số người học chưa rõ ràng, còn mang tính tự phát hoặc học theo phong trào. Một số lao động học nghề xong chưa có việc làm. Nhiều người học đã lớn tuổi, quá tuổi tuổi để vào các doanh nghiệp làm việc... Do vậy tính bền vững của người học sau đào tạo không cao, người học dễ chuyển đổi việc làm.

Trong thời gian tới, cùng với đề nghị UBND huyện tuyển dụng bổ sung giáo viên nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Lương Sơn thực hiện việc mời giáo viên thỉnh giảng. Bám sát đội ngũ cộng tác viên ở địa phương phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền, vận động đăng ký tuyển sinh thông qua tin nhắn, zalo, phiếu điều tra khảo sát... Tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về công tác đào tạo nghề cho người lao động. Cập nhật những ngành nghề có tiềm năng phát triển tại địa phương để tổ chức đào tạo cho người lao động. Mời các doanh nghiệp đồng hành cùng trung tâm từ khâu tuyên truyền tuyển sinh, đào tạo đến nhận vào làm việc nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người học có việc làm và thu nhập sau khi học.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/249/193878/huyen-luong-son-dao-tao-nghe-va-giai-quyet-viec-lam-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm
Zalo