Huyện Lập Thạch - điểm sáng trong giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Phúc

Công tác giảm nghèo bền vững tại huyện Lập Thạch đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành 'điểm sáng' của tỉnh Vĩnh Phúc.

Nông dân huyện Lập Thạch nuôi bò phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Thanh Hương

Nông dân huyện Lập Thạch nuôi bò phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Thanh Hương

Vượt chỉ tiêu giảm nghèo

Theo kết quả rà soát, đến nay, toàn huyện Lập Thạch còn 365 hộ nghèo, chiếm 0,86%; hộ cận nghèo là 607 hộ, chiếm 1,43%; lần lượt giảm 0,55% và 0,48% so với năm 2023, vượt chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo năm 2024 đề ra (giảm khoảng 60 - 80 hộ nghèo có khả năng thoát nghèo, tỷ lệ giảm từ 0,16% trở lên; giảm 180 - 200 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm từ 0,4% trở lên).

Để có được kết quả trên, huyện luôn xác định công tác giảm nghèo đa chiều là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn huyện Lập Thạch tích cực tham gia thực hiện bằng nhiều chương trình, mô hình thiết thực. Đồng thời, huyện đã kết hợp, lồng ghép giữa chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả các nguồn lực.

Bên cạnh đó, huyện Lập Thạch cũng quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; tăng cường biểu dương, tôn vinh gương người tốt, việc tốt nhân rộng mô hình hay, cách làm thiết thực bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị, đoàn thể nhằm khích lệ, động viên tinh thần tự vươn lên thoát nghèo bền vững trong nhân dân.

Nhằm tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nghèo, Phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tích cực phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm giới thiệu việc làm mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm sau khi học nghề, hỗ trợ kinh phí và thủ tục pháp lý cho người nghèo khi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, hỗ trợ nguồn vốn giúp các hộ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Triển khai chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, giai đoạn 2021-2023, toàn huyện có 150 hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền 13 tỷ đồng; 214 hộ cận nghèo được vay 19,8 tỷ đồng; 73 hộ mới thoát nghèo được vay 6,3 tỷ đồng; hơn 1.800 hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 95,6 tỷ đồng…

 Khách hàng vay vốn chính sách tại điểm giao dịch xã Sơn Đông (Lập Thạch). Ảnh: Nguyễn Hải

Khách hàng vay vốn chính sách tại điểm giao dịch xã Sơn Đông (Lập Thạch). Ảnh: Nguyễn Hải

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Với phương châm giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các địa phương trong huyện Lập Thạch đã có nhiều cách làm hay, vận dụng linh hoạt chủ trương, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để hỗ trợ cho người nghèo, phù hợp với từng đối tượng.

Tại huyện Lập Thạch hiện nay có gần 2.100 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Hàng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện xây dựng kế hoạch, vận động cán bộ đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa với phương châm nhà nước, nhân dân và gia đình cùng làm được đẩy mạnh.

Cán bộ Mặt trận đã đi đến từng tổ dân phố, thôn xóm, khu dân cư, từng gia đình động viên, tuyên truyền chủ trương “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng giúp họ thấy được trách nhiệm xã hội của công dân đối với việc xã hội hóa trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng.

Từ năm 2019 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” cấp huyện và cấp xã vận động được hơn 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho các chương trình an sinh xã hội. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp xây và sửa chữa được 175 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với trị giá trên 7 tỷ đồng, trao trên 11.527 suất quà nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc; tổ chức thăm hỏi các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi gặp rủi ro đột xuất với số tiền trên 2,1 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2023, Bảo hiểm xã hội huyện Lập Thạch đã phát gần 2.900 thẻ BHYT cho người nghèo, 4.200 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng; huyện đã hỗ trợ chi phí học tập cho gần 2.200 học sinh là con em hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng…

Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn dưới 0,5%, hộ cận nghèo giảm dưới 1%, Lập Thạch tiếp tục triển khai chương trình giảm nghèo gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên của người nghèo; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đặc biệt, huy động nguồn lực của toàn xã hội chăm lo cho công tác giảm nghèo theo phương châm: Nhà nước tạo điều kiện về sinh kế, cộng đồng hỗ trợ còn bản thân người nghèo tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo…

Long Anh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/huyen-lap-thach-diem-sang-trong-giam-ngheo-ben-vung-o-vinh-phuc-post690528.html
Zalo