Huyện Lạc Sơn: Tiếp thêm động lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Cùng với các nội dung, hoạt động của Dự án 6 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2026, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện Lạc Sơn có thêm động lực thúc đẩy.
Cùng với các nội dung, hoạt động của Dự án 6 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2026, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện Lạc Sơn có thêm động lực thúc đẩy.
Thi hát đúp giao duyên tại Liên hoan hát thường rang, bộ mẹng, hát đúp giao duyên và hát lẩy truyện thơ dân gian Mường huyện Lạc Sơn năm 2024.
Lần đầu tiên với quy mô toàn huyện, tháng 11 vừa qua, huyện Lạc Sơn tổ chức Liên hoan hát thường rang, bộ mẹng, hát đúp giao duyên, hát lẩy truyện thơ dân gian Mường năm 2024 thu hút hơn 300 nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn và câu lạc bộ (CLB) hát dân ca Mường tham gia. Bà Bùi Thị Tanh, nghệ nhân hát thường rang, bộ mẹng đến từ CLB hát dân ca Mường xóm Bai Chim, xã Định Cư phấn khởi chia sẻ: Chúng tôi về hội tụ ở một sân chơi lớn, so tài, cùng thi hát suốt 3 ngày, 2 đêm. Quan trọng hơn là hoạt động liên hoan đã khích lệ tinh thần, khiến chúng tôi càng yêu các làn điệu dân ca Mường sâu đậm. Chúng tôi cũng được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giữa các đơn vị, CLB.
Trên đà thành công của liên hoan, huyện tổ chức chương trình tập huấn và thi đấu thực nghiệm môn đánh mảng dân tộc Mường, nội dung liên hoan séc bùa và trình tấu chiêng Mường. Các nội dung liên hoan, thực nghiệm đã tạo không khí hân hoan, vui tươi trong ngày hội. Theo đồng chí Bùi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện, hát thường rang bộ mẹng, hát đúp giao duyên, trình tấu chiêng Mường, môn thể thao dân tộc đánh mảng… là những di sản văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của đồng bào Mường ở vùng Mường Vang. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm triển khai các giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống thông qua việc tạo không gian, môi trường thực hành trong các dịp lễ hội, ngày hội đại đoàn kết, hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở. Các thế hệ nghệ nhân được động viên, phát huy vai trò người nắm giữ di sản tích cực trao truyền cho lớp kế cận. Với sự hỗ trợ của Dự án 6, các nội dung, hoạt động được xây dựng bài bản, hấp dẫn, thu hút đông đảo nghệ nhân tham dự, nhân dân cổ vũ, theo dõi. Qua đó, góp phần lan tỏa, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, phong tục tập quán tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Hiện nay, dân số toàn huyện có trên 15,7 vạn người, các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Dao, Tày cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường chiếm 92%. Đồng chí Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó có Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 22/12/2021 về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn. Thời gian qua, huyện chú trọng phục dựng và tổ chức các lễ hội truyền thống dân tộc Mường; quan tâm, tạo điều kiện thành lập, duy trì hoạt động CLB bảo tồn văn hóa truyền thống ở cơ sở, đầu tư nâng cấp, tu bổ, tôn tạo các di tích… Thông qua hỗ trợ của Dự án 6, Huyện ủy, UBND huyện tổ chức hội nghị gặp mặt các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác, thực hành bảo tồn văn hóa truyền thống dịp đầu xuân 2023, 2024; mở lớp truyền dạy về các di sản văn hóa có nguy cơ mai một. Ngoài ra hỗ trợ chiêng, trang phục cho đội văn nghệ các xã; tiến hành kiểm kê, tư liệu hóa, phân loại các loại hình di sản để nghiên cứu, sưu tầm giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể cần bảo tồn, khôi phục.
Năm 2024, Dự án 6 tiếp tục đầu tư cho 50 thôn, xóm vùng đồng bào DTTS trên địa bàn mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa; hỗ trợ khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS có dân số ít người; tiếp tục khảo sát, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; bảo tồn lễ hội truyền thống; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống, các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian tại thôn, xóm vùng đồng bào DTTS, vùng di dân tái định cư; hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động thi đấu thể thao trong các ngày hội, liên hoan và xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái nhằm bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể, hướng tới phát triển cộng đồng, phát triển du lịch... Các nội dung, hoạt động phong phú, thiết thực của dự án đã góp phần bảo tồn di sản, thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương.