Huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh: Tạo động lực phát triển từ thu hút đầu tư

Với nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được xác định là điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Khi các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch xanh được đầu tư đúng mức sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) ở 2 địa phương miền núi phát triển theo hướng nhanh, bền vững.

Nhiều lợi thế

Khánh Vĩnh nằm ở vị trí giao thoa giữa hai thành phố du lịch nổi tiếng là Nha Trang và Đà Lạt sẽ tạo ra lợi thế trong phát triển du lịch. Bên cạnh là địa phương có nền văn hóa đa dạng, huyện còn có hệ thống sông ngòi, rừng núi đa dạng, đây là tiềm năng lớn để phát triển các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái... Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện đồng loạt triển khai các dự án: Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025; đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa, kết nối tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Ngoài ra, hiện nay, Cụm Công nghiệp Sông Cầu (xã Sông Cầu) với diện tích hơn 40ha, có tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng đã hoàn chỉnh hạ tầng, đang thu hút các doanh nghiệp thứ cấp.

Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có nền văn hóa truyền thống đạm đà bản sắc.

Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có nền văn hóa truyền thống đạm đà bản sắc.

Đối với Khánh Sơn, bên cạnh là quê hương của bảo vật quốc gia đàn đá, nơi có văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Raglai với các nghi lễ, phong tục tập quán đặc sắc; huyện miền núi này còn có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Toàn huyện có 3.640ha cây ăn quả, sản lượng năm 2024 dự kiến đạt 22.219 tấn. Trong đó, cây sầu riêng chiếm đến 71% diện tích cây ăn quả, với 2.600ha; diện tích đang cho thu hoạch 1.700ha, sản lượng năm 2024 đạt 17.000 tấn, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Với lợi thế này, huyện đang tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp để chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng; phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững…

Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Cùng với lợi thế trên, huyện còn có điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, môi trường sinh thái rừng đa dạng, nguồn tài nguyên du lịch còn nguyên sơ… Địa phương có nhiều danh thắng tự nhiên độc đáo như: Thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp), thác Dốc Quy (xã Sơn Lâm), cao nguyên Tà Giang (xã Thành Sơn), thung lũng Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp); nhiều di tích lịch sử cách mạng ý nghĩa… Đây là những tài nguyên quan trọng để huyện thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch”.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Để có phát triển KT-XH một cách nhanh, bền vững, những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực từ các nguồn vốn Trung ương, của tỉnh để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển KT-XH ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Đặc biệt, Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận đang được triển khai sẽ mở ra cơ hội lớn để huyện phát triển vượt bậc trong tương lai.

Sàu riêng là thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp của Khánh Sơn.

Sàu riêng là thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp của Khánh Sơn.

Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để phát triển Khánh Sơn thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng; đưa KT-XH phát triển theo hướng nhanh, bền vững, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa theo định hướng của Trung ương, của tỉnh, trong quy hoạch vùng huyện, địa phương đã xác định cụ thể 17 dự án trọng điểm để mời gọi các nhà đầu tư; đây là những dự án lớn, quan trọng để thúc đẩy KT-XH huyện trong tương lai. Huyện sẽ nỗ lực kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Huyện cũng mong muốn tỉnh, các sở, ngành quan tâm, hỗ trợ địa phương trong việc xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư lớn đến với Khánh Sơn”.

Tương như vậy, hiện nay, UBND huyện Khánh Vĩnh đang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện kêu gọi đầu tư đối với 11 dự án trên địa bàn; tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào Cụm Công nghiệp Sông Cầu. UBND huyện cũng tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Công tác thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về đầu tư được huyện tăng cường. Ngoài ra, huyện còn cung cấp thông tin về thị trường, đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay, tổ chức các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư.

Dựa vào các lợi thế sẵn có, huyện Khánh Vĩnh xác định sẽ thu hút đầu tư 3 lĩnh vực gồm: Du lịch, nông nghiệp và công nghiệp. Đối với lĩnh vực du lịch, huyện đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng.

Một góc thị trấn Khánh Vĩnh.

Một góc thị trấn Khánh Vĩnh.

Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, những năm qua, huyện rất quan tâm đến công tác xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn huyện. UBND huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn. Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết phù hợp với quy hoạch tỉnh để làm định hướng kêu gọi đầu tư.

ĐÌNH LÂM - BÍCH LA

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202412/huyen-khanh-son-va-huyen-khanh-vinh-tao-dong-luc-phat-trien-tu-thu-hut-dau-tu-4a26832/
Zalo